Tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

NDO - Ngày 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, công tác coi thi diễn ra từ ngày 26 đến 29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi ngày 17/7; xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị trực tuyến.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến.

Theo ban tổ chức, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tổng số 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi, (tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm 2023). Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38% tổng số thí sinh.

Các thí sinh dự thi tại 2.323 điểm thi, tăng 51 điểm thi so với năm 2023; tổng số phòng thi là 45.149. Có tổng số 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi môn Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh.

Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung; các tỉnh, thành phố chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi ngày 17/7; xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7.

Các công việc chuyên môn cũng được tích cực chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng như: xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi; các hệ thống, phần mềm cho kỳ thi; công tác tập huấn.

Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo cấp quốc gia đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại nhiều tỉnh, thành phố. Các địa phương được kiểm tra đã chủ động trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi như: sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố với đầy đủ các thành phần theo quy định; phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng thành viên. Nhiều địa phương thành lập Ban chỉ đạo thi cấp huyện và huy động các sở, ban, ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp công an địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự cho Hội đồng ra đề thi và quá trình vận chuyển, giao nhận đề thi đến 63 Hội đồng thi cả nước.

Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các nguy cơ tiêu cực gian lận và vi phạm pháp luật liên quan đến kỳ thi. Trong đó, chú trọng nắm tình hình, đấu tranh xử lý các đối tượng có hành vi rao bán thiết bị công nghệ cao sử dụng để gian lận thi cử hoặc các đường dây tiêu cực, gian lận.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ảnh 1

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chia sẻ công tác bảo đảm an ninh an toàn kỳ thi.

Thực tế cho thấy, giữa hai ngành: Công an và Giáo dục đã có sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để bảo đảm an ninh an toàn cho kỳ thi. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, một số địa phương còn có vướng mắc, cách hiểu khác nhau về quy định bảo đảm an ninh an toàn cho kỳ thi như: chưa rõ nơi bảo quản đồ dùng của thí sinh bảo đảm đúng khoảng cách, nơi để xe của thí sinh hoặc nhà dân ở gần sát phòng thi.

Vì vậy, các Hội đồng thi hướng dẫn thí sinh hạn chế tối đa việc mang vật dụng không cần thiết vào điểm thi, nơi bảo quản đồ dùng của thí sinh có thể bố trí một cách linh hoạt, cách phòng thi tối thiếu là 25 mét hoặc có thể xa hơn để nâng cao hiệu quả phòng ngừa…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, kỳ thi được cả xã hội quan tâm. Hiện nay, công tác chuẩn bị thi diễn ra chu đáo, sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để kỳ thi diễn ra an toàn.

Để kỳ thi đáp ứng yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành phố cần sâu sát, toàn diện; chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra kiểm tra, lường trước các vấn đề có thể xảy ra.

Kỳ thi diễn ra với quy mô toàn quốc, số lượng đông, nhiều cơ quan cùng tham gia, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành như Công an, Y tế, đoàn thanh niên…do đó, công tác phối hợp cần nhịp nhàng, thông suốt và hiệu quả, không chồng chéo.

Công tác tổ chức kỳ thi cần bảo đảm đúng khâu, rõ nhiệm vụ, đúng quy chế cũng như quy trình xử lý các tình huống bất thường; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.

Các địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường quán triệt quy chế thi đối với cán bộ, giáo viên, học sinh; tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị vào phòng thi.

Đối với những địa phương giao thông đi lại khó khăn hoặc do ảnh hưởng mưa lũ cần tạo điều kiện hỗ trợ thí sinh nơi ăn, nghỉ trước ngày diễn ra kỳ thi. Trong quá trình tổ chức sẽ không tránh khỏi những sơ suất, tình huống bất thường, các điểm thi cần có phương án dự phòng, nhất là bảo đảm an toàn cho cán bộ làm công tác thi, thí sinh; làm tốt công tác bảo mật và an toàn khu vực in sao đề thi, nơi bảo quản đề thi, bài thi…