Sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Còn 10 ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ chính thức diễn ra (từ ngày 26 đến 29/6). Để kỳ thi diễn ra an toàn, thuận lợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã và đang chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm công tác thi, quán triệt quy chế thi.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) trong giờ ôn tập trước kỳ thi.
Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) trong giờ ôn tập trước kỳ thi.

Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng tổ chức kỳ thi theo kế hoạch và có cả phương án dự phòng cho những tình huống bất thường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các điểm thi trên cả nước đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức cũng như có phương án hỗ trợ thí sinh dự thi thuận lợi.

Cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị

Năm 2024, điểm thi Trường THPT Vị Thanh (thành phố Vị Thanh) là một trong những điểm thi có số lượng thí sinh dự thi lớn nhất của tỉnh Hậu Giang với 635 thí sinh và 27 phòng thi. Thầy giáo Lê Duy Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất của điểm thi đã cơ bản hoàn tất. Ngoài những phòng thi chính thức, điểm thi còn bố trí đủ hai phòng thi dự phòng, hai phòng chờ.

Bên cạnh tổ chức ôn tập cho học sinh dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 20/6, trường thường xuyên quán triệt quy chế thi đến tất cả giáo viên, học sinh trên tinh thần nắm vững và thực hiện đúng.

Tại điểm thi Trường THPT Tầm Vu (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Trung cho biết, các điều kiện chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã cơ bản hoàn tất, nhiệm vụ từ nay đến trước ngày thi là tiếp tục ôn tập cho học sinh, nhất là học sinh có học lực trung bình, yếu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Đà Nẵng có 13.561 thí sinh đăng ký dự thi tại 28 điểm thi chính thức và một điểm thi dự phòng.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Bích Thuận cho biết có 2.265 cán bộ, giáo viên được huy động làm công tác thi. Ngành công an cũng huy động đông đảo cán bộ, chiến sĩ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật coi thi, giám sát thi cho cán bộ, giáo viên dự kiến tham gia công tác coi thi; phối hợp Công an thành phố Đà Nẵng tiến hành kiểm tra các thiết bị lưu trữ dữ liệu, camera phục vụ cho công tác coi thi, chấm thi; phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trong việc chuẩn bị chu đáo, bảo đảm sẵn sàng tổ chức kỳ thi.

Hiện, các điểm thi ở Đà Nẵng cơ bản bảo đảm các yêu cầu như: Đủ số phòng thi (kể cả phòng thi dự phòng); phòng bảo quản đề thi, bài thi; phòng họp của điểm thi; phòng để túi xách, vật dụng của thí sinh; phòng y tế.

Các phòng thi bảo đảm số lượng bàn ghế đúng quy định; các phòng không sử dụng tại các điểm thi đã được niêm phong. Tại các điểm thi, phòng gửi đồ của thí sinh được bố trí tại phòng học hoặc hội trường để các em yên tâm với tư trang của mình.

Riêng điểm thi Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) phải mượn một phòng của Trường mầm non 19/5 phía đối diện làm phòng gửi đồ vì phòng bảo vệ diện tích quá nhỏ, khoảng cách giữa phòng bảo vệ và các phòng thi không bảo đảm theo quy định.

Thầy giáo Lê Mạnh Tấn, giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) chia sẻ đã được tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cũng như quy chế thi, trong đó có các tình huống giả định để xử lý.

Theo thầy Tấn, với tình huống thí sinh quên thẻ dự thi trong buổi phổ biến quy chế thi, cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh vẫn cứ đến điểm thi bình thường; không nên quay về lấy giấy tờ. Nếu các em quên thẻ dự thi thì sử dụng những giấy tờ tùy thân khác như căn cước công dân.

Kể cả trường hợp thí sinh không đem theo thẻ dự thi và các giấy tờ liên quan thì vẫn được dự thi, nhưng phải viết giấy cam kết, trong hồ sơ dự thi có ảnh của thí sinh, cán bộ coi thi có thể đối chiếu gương mặt.

Là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, mưa lũ xảy ra thất thường, tỉnh Lào Cai đã có phương án hỗ trợ thí sinh dự thi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Minh Tâm cho biết, địa phương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đặt điểm thi báo cáo ban chỉ đạo thi cấp huyện, thị xã, thành phố liên hệ với trường phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trường THPT có khu bán trú để bố trí, sắp xếp chỗ ở cho học sinh về dự thi; phối hợp cha mẹ học sinh nấu ăn cho thí sinh bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Có phương án đưa học sinh ở xa điểm thi về ở nơi gần điểm thi, bố trí chỗ ở cho học sinh trong trường hợp diễn biến thời tiết bất thường như mưa bão, sạt lở không thể đi về trước ngày thi ít nhất ba ngày.

Đồng thời, phối hợp đoàn thanh niên thực hiện tốt chương trình “Thanh niên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”...; tích cực vận động kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, phụ huynh tổ chức bữa trưa miễn phí hoặc giá rẻ cho học sinh khó khăn.

Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Yên Bái cũng đã xây dựng các phương án nhằm hỗ trợ cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở xa. Đến nay, có khoảng 2.000 lượt thí sinh tham dự kỳ thi đã được hỗ trợ về ôn tập, tư vấn, kinh phí, gạo, nơi nghỉ, xe đưa đón…

Chú trọng phòng chống gian lận thiết bị công nghệ cao

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Trong nhiều công việc phải chuẩn bị, giải quyết thì vấn đề bảo đảm an toàn các khu vực quan trọng của điểm thi như: Khu vực in sao đề thi, phòng quản lý đề thi, bài thi cũng như phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao luôn được đặt lên hàng đầu.

Công việc này được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an cũng như các địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm ngặt trong những năm gần đây, nhưng với kỳ thi có quy mô lớn, tính chất quan trọng thì việc rà soát kỹ các nguy cơ và có biện pháp ngăn chặn cần được đặc biệt chú trọng.

Kiểm tra thực tế tại một số điểm thi ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Cục trưởng Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) Hoàng Văn Khoa cho rằng, trong quá trình kiểm tra điểm thi và khu vực in sao đề thi có phát hiện còn một số nguy cơ cần khắc phục ngay, như tại khu vực in sao đề thi còn nhiều cáp mạng, cáp điện thoại.

Vì vậy, đề nghị Ban Chỉ đạo thi Thành phố Hồ Chí Minh sớm có phương án đưa cáp mạng ra khỏi khu vực in sao đề thi, khu bảo quản bài thi. Trường hợp không đưa ra ngoài được thì cần có phương án niêm phong tất cả các cáp mạng.

Tại một số điểm thi, khu vực tiếp giáp với nhà dân chưa có rèm che, nên cần lắp rèm bổ sung ngay hoặc có phương án ngăn chặn không để bên ngoài nhìn vào được...

Qua kiểm tra tại một số địa phương, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Nhiều địa phương tổ chức ôn tập hiệu quả cho học sinh, trong đó đã dành sự quan tâm đến từng nhóm học sinh, huy động được các lực lượng hỗ trợ chu đáo cho thí sinh.

Còn 10 ngày nữa sẽ tới kỳ thi quan trọng, cho nên người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị các địa phương và từng điểm thi cần phải cẩn thận tối đa, bởi sai sót từ một địa phương sẽ ảnh hưởng tới cả nước.

Công tác in sao, vận chuyển đề thi, bài thi cần tuân thủ cao nhất các quy định về bảo mật với sự phối hợp cao nhất của ngành công an để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu của kỳ thi.

Thực tế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT một số năm gần đây cho thấy, tất cả các khâu, các nội dung đều phải có phương án dự phòng. Các địa phương cũng như từng điểm thi không chỉ đưa ra phương án dự phòng mà phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho các phương án dự phòng đó. Cần tập huấn đầy đủ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dự phòng, đề phòng trường hợp đội ngũ cán bộ chính bị ốm hay có việc đột xuất.

Đáng chú ý, một vài năm gần đây vẫn phát hiện những trường hợp gian lận sử dụng công nghệ cao, do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các địa phương cần đặc biệt đề phòng vấn đề này.

Không chỉ nhắc nhở, tuyên truyền, quán triệt kỹ cho học sinh mà còn đề cao trách nhiệm của cán bộ coi thi, lấy tinh thần con người ứng phó với công nghệ cao là giải pháp của kỳ thi năm nay.

Năm 2024, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại gần 2.300 điểm thi với 45.000 phòng thi.

Đây là kỳ thi cuối cùng thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 với cách thức tổ chức, phương án thi cơ bản giữ ổn định như một số năm gần đây.

Từ năm 2025, kỳ thi sẽ có những đổi mới phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo