Diễn đàn Chủ nhật

Tạo điều kiện để văn hóa phát triển bền vững

Thời gian qua, Ðảng, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực về mặt chính sách, định hướng, chiến lược nhằm xây dựng một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành văn hóa ở Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu, trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hoạt động khai thác và phát huy tiềm năng kinh tế của các giá trị văn hóa đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy sự năng động của các thế hệ sáng tạo. Qua đó, công chúng Việt Nam đã và đang có nhiều cơ hội hưởng thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa - nghệ thuật ngày càng đạt chất lượng cao.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta vẫn tồn tại những hạn chế và yếu kém, nhất là về mặt cơ chế quản lý cùng hệ thống chính sách và quy định chưa đồng bộ ở các cấp khiến việc khai thác các lợi thế cạnh tranh cũng như năng lực sáng tạo trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa đạt mức tối đa và hiệu quả cao. Một trong những khó khăn, thách thức là sự tồn tại của một cơ chế tài chính hỗ trợ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhiều năm qua còn yếu kém, chưa khuyến khích và khai thác một cách tốt nhất năng lực sáng tạo nhằm biến thành các giá trị kinh tế cao. Cơ chế bao cấp các hoạt động văn hóa - nghệ thuật từ ngân sách Nhà nước, khiến hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật trở nên thụ động và thiếu tính bền vững. Ðặc biệt là chưa xây dựng được một môi trường mà ở đó các hoạt động sáng tạo có thể tiếp cận được với nhiều nguồn tài trợ khác nhau, đa dạng hóa nguồn tài chính một cách dễ dàng để có thể phát triển độc lập và vững mạnh. Ðến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có được chính sách ưu đãi thuế thỏa đáng cho những doanh nghiệp muốn đầu tư hoặc hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Sự chậm trễ này đã làm giảm mối quan tâm và sự nhiệt thành của khối doanh nghiệp tư nhân dành cho văn hóa, khó kêu gọi được sự hỗ trợ tài chính.

Những vướng mắc nêu trên cho thấy cần có sự đổi mới về chính sách và định hướng cùng những chương trình cụ thể, mang tầm quốc gia nhằm hỗ trợ hình thành một môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật; khai thác tối đa và hiệu quả năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhạy bén trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Ðảng và Nhà nước ta đã có chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật mở rộng hoạt động của mình nhằm tạo nguồn thu hỗ trợ bản thân. Chủ trương này cần phải được cụ thể hóa bằng những điều chỉnh và thay đổi cụ thể hơn như việc thay thế mô hình "trợ cấp nhà nước" bằng mô hình "đầu tư nhà nước" mà theo đó, hằng năm, Nhà nước sẽ là nhà đầu tư rót vào một phần vốn cụ thể. Mô hình này đòi hỏi các đơn vị công lập trong lĩnh vực văn hóa như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, bảo tàng, thư viện, triển lãm, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn hóa dân gian,... sẽ phải chủ động hơn trong hoạt động, gắn kết thị trường, tạo ra những dịch vụ, sản phẩm, hoạt động văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao về cả giá trị văn hóa, xã hội và thị trường, gia tăng tiềm năng lợi nhuận ngay cả ở những lĩnh vực khó kinh doanh như bảo tàng, triển lãm, v.v.

Cùng với chủ trương đầu tư "vốn mồi", cần điều chỉnh, tăng cường tính năng động của các đơn vị và từng bước giảm dần số lượng các đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật sử dụng ngân sách của Nhà nước. Bên cạnh những đơn vị nghệ thuật truyền thống tiếp tục được nhận sự bảo trợ tài chính của Nhà nước (do khó có thể xoay xở và tồn tại trong cơ chế thị trường), một bộ phận lớn các đơn vị có thể được cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp thị trường. Ðơn vị sẽ phải tự lo sáng tạo tác phẩm, quảng bá, xin tài trợ, kêu gọi đầu tư, hạch toán kinh doanh và đưa tác phẩm ra thị trường. Ðây là bước đầu trong quá trình điều chỉnh lại cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước dành cho các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, chuyển hướng từ đầu tư dàn trải sang đầu tư có trọng điểm và ưu tiên khu vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Ði đôi với sự điều chỉnh này, cần nhanh chóng có một cơ chế ưu đãi thuế đối với đóng góp của doanh nghiệp hỗ trợ phát triển văn hóa - nghệ thuật, cho phép các khoản tài trợ được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp để có thể nhận được ưu đãi thuế 10% thay vì 25% theo như quy định chung dành cho các hoạt động thuộc lĩnh vực xã hội hóa được nhận ưu đãi thuế.

Ðể văn hóa nước ta phát triển bền vững, có sức cạnh tranh, nền tảng xuất phát của nó phải là một nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo và kỹ năng kinh doanh thị trường cao, đặt trong một môi trường quản lý, khai thác, hỗ trợ hiệu quả. Ðiều này sẽ giúp tạo ra những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật tiếp cận được thị trường trong nước cũng như quốc tế, năng động và tự tin vào khả năng sáng tạo trước một thế giới đang phát triển theo xu thế hội nhập cao.