Tạo đà bứt phá cho kinh tế nông thôn

(Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Nâng cao năng lực của hợp tác xã, tổ hợp tác

Ðẩy mạnh các chính sách hỗ trợ hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác một cách toàn diện; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tích hợp đa giá trị hay kinh tế tuần hoàn... là những đề xuất tích cực để HTX, tổ hợp tác phát triển bền vững.

Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) tạo việc làm cho người lao động.
Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) tạo việc làm cho người lao động.

Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13- NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật HTX diễn ra tại thành phố Hà Nội tháng 12/2021, nhiều đại biểu tham dự đã chỉ ra rằng, quan điểm thành lập HTX, tổ hợp tác chỉ đơn giản “góp gió thành bão, góp cây thành rừng” đã bộc lộ nhiều điểm yếu khi hầu hết HTX, tổ hợp tác dù được đánh giá hoạt động hiệu quả đều gặp những khó khăn rất lớn về cơ sở vật chất, về vốn đầu tư và nguồn lực con người.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Ðức Thịnh cho rằng, để khắc phục những hạn chế nêu trên, tổ hợp tác, HTX cần mở rộng liên kết với các doanh nghiệp chứ không nên dừng lại ở mối liên kết giữa các xã viên với nhau. Bên cạnh đó là thay đổi tập quán sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung chất lượng, áp dụng khoa học-công nghệ, nắm bắt công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm sẵn có của địa phương trở thành sản phẩm OCOP.

Tại tỉnh Sơn La, nhận thấy thanh long là cây trồng tiềm năng, HTX Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn đã chọn thanh long là cây trồng chủ lực giúp xã viên và người nông dân xóa đói, giảm nghèo. Ðể mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, HTX chủ động liên kết với Công ty Ðồng Giao, Công ty Sóng Hồng, Công ty TNHH thực phẩm hữu cơ Hà Nội... bao tiêu toàn bộ sản phẩm thanh long tươi và sấy, ép dẻo.

Bà Nguyễn Thị Dung, thành viên HTX Ngọc Hoàng cho biết, từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất với HTX, gia đình bà và nhiều hộ dân khác đã thay đổi hẳn tư duy sản xuất. Ai cũng có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình. Trong quá trình lao động sản xuất, các thành viên của HTX đều có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP đã giúp xã viên, người nông dân từ chỗ đủ ăn đến vươn lên làm giàu. Doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước, đồng thời lợi nhuận hằng năm đều đạt hơn một tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên HTX lên hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển kinh tế hộ gia đình bằng hình thức liên kết sản xuất, với quyết tâm phát huy thế mạnh của địa phương, thông qua cách nghĩ, cách làm mới cũng thật sự có hiệu quả với người dân tại huyện Nghĩa Ðàn (Nghệ An). Nhờ liên kết chuỗi trong sản xuất thông qua việc góp đất, tham gia vào dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH, cuộc sống nông dân đã có nhiều đổi khác. Do được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, được định hướng về phương thức sản xuất, hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về máy móc, thiết bị, người nông dân có thể bố trí và cân đối sức lao động phù hợp, năng suất lao động nhờ vậy được tối ưu hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân lên gần 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hàng chục lần so với trồng sắn, ngô trước đây chỉ từ 5-10 triệu đồng/ha/năm.

Tham gia quá trình đổi mới chuỗi liên kết, các HTX, tổ hợp tác đã trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi giá trị liên kết sản phẩm, trở thành cầu nối giữa người nông dân với các doanh nghiệp. Vì vậy, để các HTX phát triển bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những sửa đổi cần thiết trong Luật HTX và một cơ chế thoáng trong tích tụ đất đai, vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho HTX, tổ hợp tác. Bên cạnh đó, là một môi trường sản xuất, kinh doanh mang tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp, HTX làm ăn chân chính thông qua các tiêu chí rõ ràng cụ thể về quy cách, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn về giá, chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc sản phẩm.

Tiếp sức cho HTX, tổ hợp tác trong mối liên kết với doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các đối tác nước ngoài, cũng như thị trường quốc tế. Bổ sung quy định về chế độ bảo hiểm nông nghiệp đối với các HTX, chính sách hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ cao; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn; chính sách hỗ trợ HTX thực hiện sản phẩm OCOP. Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, để tăng nguồn lực con người cho HTX, tổ hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức 11 nghìn lớp bồi dưỡng và đào tạo nghề cho 610.623 lượt người là thành viên HTX; ban hành giáo trình, chương trình khung về bồi dưỡng cán bộ quản trị, cán bộ kế toán, kiểm soát và nghiệp vụ.

Giai đoạn 2002-2021, các quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân cho vay 2.521 tỷ đồng đầu tư với 615 dự án phục vụ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường. Liên minh HTX Việt Nam đã phân bổ cho 59 liên minh HTX tỉnh, thành phố với số vốn tín dụng là 330 tỷ đồng, cho vay 43 dự án tại 26 tỉnh/thành phố với tổng số tiền là 137 tỷ đồng. Thực tiễn sản xuất cho thấy, từ nguồn vốn hỗ trợ và tăng cường lực lượng lao động qua đào tạo bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế HTX, tổ hợp tác, đem lại một diện mạo mới cho HTX, tổ hợp tác.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... Qua đó, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Ðây chính là cơ hội lớn để các HTX, tổ hợp tác có thể nắm bắt và định hướng để mở rộng quy mô sản xuất.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31/3/2022.