Tạo cơ chế phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức được cống hiến, phát triển; đồng thời thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ trí thức hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố có chính sách thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyên dương sinh viên thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 14/2013 về thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức được nâng lên. Tính đến đầu năm 2022, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố gồm: 7.286 công chức, trong đó có 84 tiến sĩ; 121.291 viên chức, trong đó có 317 tiến sĩ. Ðội ngũ trí thức Thủ đô thuộc Ðảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Ðảng bộ Ðại học Quốc gia, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội... là nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW đến nay chưa được thành phố cụ thể hóa, thể chế hóa, việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá, dẫn đến sự phát triển và cống hiến của đội ngũ trí thức Thủ đô chưa xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Chính sách thu hút trí thức có trình độ cao chưa hấp dẫn. Ở một số ngành xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Trong khi đó, Hà Nội đang thực hiện tái cấu trúc kinh tế, từng bước hình thành các trụ cột kinh tế tri thức, theo hướng tăng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới, cũng như rất cần xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển.

Trong thời gian tới, thành phố cần rà soát các văn bản hiện có và ban hành các văn bản bảo đảm để trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình. Có cơ chế, chính sách huy động trí thức, nhất là trí thức đầu ngành, đồng thời chú trọng đào tạo đội ngũ kế cận. Mặt khác, cần đổi mới công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc sử dụng cán bộ là trí thức, khắc phục tình trạng hành chính hóa, thiếu công khai, minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ quản lý; trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế.