Tạo chuyển biến về xây dựng nhà ở xã hội

Thực trạng thiếu nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đang diễn ra ở hầu hết các đô thị trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Anh)
Dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Anh)

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường bất động sản gần như vắng bóng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, khi phân khúc bất động sản cao cấp chiếm đến 80% thị phần. Giá bất động sản cao gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân của người Việt Nam và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến việc sở hữu nhà ở để an cư của người nghèo đô thị, người thu nhập thấp, công nhân, công chức, viên chức trở nên ngày càng xa vời, nếu không có sự tiếp sức của Chính phủ bằng những chỉ đạo và chính sách cụ thể.

Nguyên nhân dẫn đến sự lệch pha giữa các phân khúc nhà ở đã được mổ sẻ phân tích nhiều. Trong quy hoạch đô thị, nhiều địa phương chưa chú trọng đến chính sách xây dựng nhà ở xã hội; tại các dự án nhà ở thương mại, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng; nhiều doanh nghiệp chọn phương án hoán đổi bằng nộp tiền để không phải xây nhà ở xã hội.

Đó là chưa kể, từ khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016 thì gần như rất ít doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội, bởi lợi nhuận quá ít so với làm nhà ở thương mại, lại gặp nhiều rào cản và rủi ro. Hiện nay, bình quân một dự án nhà ở xã hội phải mất từ 4 đến 5 năm, thậm chí có dự án đến 10 năm để hoàn thiện hồ sơ, pháp lý. Thủ tục kéo quá dài, nhiều doanh nghiệp đã ngưng triển khai hoặc chuyển đổi công năng qua xây dựng nhà ở thương mại. Đây là một trong những lý do khiến mục tiêu xây dựng 80 nghìn căn nhà ở xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch.

Để có thể xây dựng một triệu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, cần có giải pháp đúng, trúng, triển khai đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương. Những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà cần được loại bỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như người mua dễ dàng tiếp cận, lựa chọn được nhiều dự án nhà ở. Khi các dự án hoàn thành, địa phương phải có chế tài giám sát chặt chẽ các giao dịch để nhà ở xã hội đến đúng tay đối tượng, không bị đầu cơ, mua đi bán lại…

Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn hiện nay là “thời cơ vàng” để phát triển nhà ở xã hội bởi phân khúc nhà ở cao cấp, nhà ở dành cho những người có thu nhập cao đang có dấu hiệu chững lại. Các chính sách tài chính như: nới room tín dụng, hỗ trợ lãi suất… cũng đang được thực thi; các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội cũng đã được quy định cụ thể trong các luật, nghị định, thông tư.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030. Việc này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Sau chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp lớn đã đăng ký chung tay cùng Chính phủ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Đây là những tín hiệu vui, thể hiện chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội đang có những thay đổi rõ nét, tích cực, tạo chuyển biến về chất, nhận được sự ủng hộ, đồng tình và chung tay của người dân và doanh nghiệp.