Tạo chuyển biến từ kỷ cương, kỷ luật

Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố dù mới triển khai được một thời gian, nhưng đã bước đầu tạo chuyển biến rõ nét tại nhiều cơ quan, đơn vị. Tại huyện Sóc Sơn, việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU được coi là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và giải quyết nhiều khó khăn trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn cưỡng chế một trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. (Ảnh HOÀNG SƠN)
Lực lượng chức năng xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn cưỡng chế một trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. (Ảnh HOÀNG SƠN)

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, trước khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 24, Huyện ủy đã rất chú trọng về kỷ luật, kỷ cương của hệ thống chính trị. Trong đó, một trong hai khâu đột phá của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 là đẩy mạnh cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 25, Huyện ủy đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện. Đây là dịp để các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cả hệ thống chính trị của huyện nói riêng tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong giải quyết công việc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tạo sự thống nhất về ý chí, hành động để gương mẫu, tự giác thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên mỗi cương vị công tác. Trên cơ sở 25 biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, huyện đã chỉ ra 30 nhiệm vụ cụ thể phù hợp thực tế địa bàn, trong đó tập trung vào những nhóm vấn đề "nóng" như quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường... Các đầu việc được huyện giao cụ thể, rõ thời gian hoàn thành, gắn với trách nhiệm cụ thể của mỗi cá nhân. Các cơ quan, đơn vị cũng phải xây dựng kế hoạch để triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với hội nghị cán bộ chủ chốt, Huyện ủy giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 24 đến từng đảng bộ, cơ quan, đơn vị phụ trách. Ngoài tổ chức quán triệt trực tiếp, nhiều cấp ủy còn tổ chức lồng ghép nội dung Chỉ thị số 24 vào nội dung sinh hoạt chuyên đề; đồng thời đưa nội dung lên hệ thống đài phát thanh từ huyện đến cơ sở và trang mạng xã hội "Sóc Sơn quê mình" với hơn 22 nghìn người theo dõi để tuyên truyền.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Nam Hà cho biết, đã giao Ban Tổ chức Huyện ủy chủ trì, phối hợp các ban đảng, Văn phòng Huyện ủy và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy theo quy định.

Một trong những nội dung được huyện Sóc Sơn chú trọng trong việc cụ thể hóa Chỉ thị số 24 là quyết liệt xử lý vi phạm, tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Khó khăn của huyện là quy hoạch còn nhiều bất cập, diện tích lại rộng, thí dụ như diện tích xã Bắc Sơn tương đương với diện tích của bốn quận nội thành (cũ), trong khi lực lượng mỏng nên việc kiểm soát có lúc còn chưa chặt chẽ. Dù vậy, huyện yêu cầu các xã và các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm; đồng thời công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của nhân dân. Với những vi phạm đã rõ, huyện cương quyết xử lý.

Chín tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng của huyện đã kiểm tra, phát hiện lập hồ sơ xử lý 205 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, kết quả đã xử lý được 177 trường hợp và đang hoàn thiện hồ sơ xử lý 28 trường hợp còn lại. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã ra quân xử lý được 206 trường hợp vi phạm tồn đọng, vi phạm theo các kết luận thanh tra, đơn tố cáo, phản ánh của công dân. Riêng những vi phạm phát sinh trong năm 2022, đến nay đã được các xã cơ bản xử lý dứt điểm.

Có những trường hợp huyện đã tạm đình chỉ công tác cán bộ xã để tập trung xử lý vi phạm về đất đai và giao Ủy ban kiểm tra Huyện ủy vào cuộc làm rõ trách nhiệm cán bộ. Với những địa bàn "nóng" như hai xã Minh Phú, Minh Trí, huyện xây dựng đề án riêng để tăng cường quản lý, trong đó chú trọng vào công tác cán bộ.

Như tại xã Minh Phú, sau khi điều động, luân chuyển hai đồng chí từ Hội đồng nhân dân và phòng chuyên môn huyện về làm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, nhiều trường hợp vi phạm, lãnh đạo xã đã chỉ đạo xử lý quyết liệt và tình hình đã có những chuyển biến rõ nét về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24 một cách thực chất, để tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện", Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà khẳng định.