Tạo bứt phá để hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Ngày 28/6, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Đà Nẵng công bố các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2024.
Đà Nẵng công bố các chỉ tiêu kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2024.

Báo cáo của Cục Thống kê Đà Nẵng chỉ rõ: 6 tháng đầu năm Đà Nẵng có chuyển biến tích cực, lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo sự tăng trưởng bứt phá cho một số ngành dịch vụ, như lưu trú, ăn uống, thương mại, vận tải, vui chơi giải trí...; lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung.

GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 5%; trong đó, tốc độ tăng trưởng quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả trên, Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng trưởng trong quý II.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 20/6 đạt 12.980 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 3.133 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương đạt 9.846 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến ngày 20/6 ước đạt 14.823 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 14.871 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 4.026 tỷ đồng, tăng 13,1%; vốn ngoài Nhà nước đạt 9.273 tỷ đồng, tăng 4,8%; vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 1.573 tỷ đồng, tăng 0,6%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,59 tỷ USD, tăng 11,6%; Trong đó, hàng hóa xuất khẩu ước đạt 918 triệu USD, tăng 1,8%; nhập khẩu ước đạt 672 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tạo bứt phá để hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1

Du lịch Đà Nẵng đang phục hồi mạnh mẽ.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ với sự đóng góp lớn của kinh tế số và xu hướng chuyển đổi xanh, liên kết kinh tế đã và đang tạo ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng bứt phá, tăng tốc.

Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn đang gặp một số hạn chế, khó khăn, như lượng khách du lịch tăng cao nhưng số ngày lưu trú giảm, xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi suy thoái. Doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn về nguồn vốn tái đầu tư, tiền thuê đất... việc đầu tư nâng cấp sản phẩm dịch vụ hiện có, cũng như đầu tư sản phẩm dịch vụ du lịch mới còn hạn chế.

Giá vé máy bay nội địa tuy có dấu hiệu giảm nhưng vẫn còn khá cao so với các nước, nên người dân lựa chọn du lịch các điểm đến gần hoặc du lịch nước ngoài, ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch nội địa.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm tổng cầu yếu đi khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm; công tác triển khai đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp...

Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn; nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ các điều kiện đảm bảo, chưa có phương án kinh doanh hợp lý nên chưa thể vay vốn; thị trường bất động sản tiếp cận tín dụng khó khăn.

Tạo bứt phá để hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2

Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến cây trồng rơi vào tình trạng suy kiệt, đồng thời nắng nóng dễ xảy ra phát lửa cháy rừng, giá cả vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân.

Tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung - cầu lao động vẫn chưa được khắc phục, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, thiếu lao động trong khi lao động vẫn còn thiếu việc làm.

Trong 6 tháng cuối năm, Đà Nẵng cần tập trung các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch. Tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; khai thác thị trường khách đường biển, đường bộ, liên kết hình thành và tạo xu hướng du lịch trải nghiệm bằng tàu hỏa

Triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, điện tử và linh kiện điện tử...

Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thúc đẩy tiêu dùng trong nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra.

Tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư.