Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Đọc bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, tôi rất cảm động với tâm huyết của người đứng đầu Ðảng ta, luôn đau đáu, trăn trở vì đất nước, nhân dân; đồng thời tâm đắc với những nội dung của bài viết, nhất là luận điểm: "Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển".

Nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo và phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo và phát triển bền vững. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ðây là đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ưu việt hơn, tiến bộ hơn so với nền kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản.

Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội là một chủ trương lớn, nhất quán của Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), Ðảng ta xác định, tiến bộ và công bằng xã hội luôn là mục tiêu hướng tới, có mối quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tiến bộ và công bằng xã hội được thể hiện ở nhiều nội dung, tiêu chí trong đó lấy con người làm trung tâm. Nội dung này luôn được bổ sung, hoàn thiện qua Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), và trong các văn kiện của Ðại hội XI, XII, XIII của Ðảng.

Trong thực tiễn, chủ trương này đã được triển khai nghiêm túc với nhiều thành quả tích cực, rõ nét nhất là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đánh giá: kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%/năm. Ðây chính là tiền đề quan trọng để chúng ta đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020. Chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng. Ðời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện... Từ thực tiễn nêu trên có thể khẳng định, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không những nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân mà còn góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước.

Ðể có thể tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong bối cảnh nhiều thời cơ và nhiều thách thức đan xen như hiện nay, thiết nghĩ chúng ta cần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng, nhất là Nghị quyết Ðại hội XIII về phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không chỉ là chính sách kinh tế chung của cả nước mà từng địa phương, đơn vị, trong chính sách kinh tế của mình đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội. Ðồng thời, những chính sách xã hội cũng phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương, đơn vị. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quán triệt các nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững; trong đó chú trọng việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn.