Vì thế, tỉnh coi việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động, đồng thời bù đắp cho ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và biến động chính trị của thế giới.
Từ nay cho đến hết năm 2022, Quảng Ninh quyết liệt tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp kịp thời, hiệu quả để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công theo đúng tinh thần nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm.
Mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh đến ngày 30/9 là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 80% kế hoạch và kết thúc năm 2022 hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh mới đạt 6.681 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch vốn giao đầu năm là 15.661,9 tỷ đồng thì tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 42,7%. Còn nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 59,5%, cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho tỉnh thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương báo cáo tình hình giải ngân cũng như những khó khăn, vướng mắc vào thứ sáu hằng tuần để báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ. Cùng với đó, có văn bản gửi các chủ đầu tư, địa phương đề nghị xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đã giao để bảo đảm tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm một phần do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu tăng, mặt khác một số chủ đầu tư chủ quan, bị động trong công tác chuẩn bị đầu tư, dẫn đến một số dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng, chậm tổ chức thẩm định tại hiện trường, chậm hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán đối với dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù của đầu tư công là phải có quá trình, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc, nhất là dự án mua sắm trang thiết bị phải hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thanh toán, nên các chủ đầu tư thực hiện còn chậm.
Dự án cầu Cửa Lục 3 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022 . |
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đối với các dự án chuyển tiếp, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, do đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, nên trong những tháng đầu năm 2022 các nhà thầu triển khai thi công để hoàn thành khối lượng đã tạm ứng, chưa có nhiều khối lượng hoàn thành phát sinh, chưa đến kỳ thanh toán theo hợp đồng cho nhà thầu, nên chưa thể giải ngân. Một số chủ đầu tư, địa phương chậm triển khai các thủ tục đầu tư như lập chủ trương đầu tư, lập thẩm định phê duyệt dự án chậm, dẫn đến một số dự án mặc dù đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2021, nhưng đến nay chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án, dẫn đến chưa thể phân khai chi tiết nguồn vốn đầu năm.
Tại Cẩm Phả, tính đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt hơn 52% kế hoạch năm, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố năm 2022 là 678,194 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách thành phố là 544,158 tỷ đồng cấp cho tổng số 35 công trình chuyển tiếp và khởi công mới, số vốn còn lại được tỉnh bố trí cho đầu tư dự án Trường trung học phổ thông Cẩm Phả. Tuy nhiên hiện thành phố Cẩm Phả còn có 10 dự án khởi công mới, đến nay mới có 4 dự án được khởi công, còn lại 6 dự án đang trong quá trình thẩm định thiết kế, tổ chức đấu thầu, điều chỉnh quy hoạch để sớm khởi công trong quý III.
Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Thành phố đã rà soát lại tiến độ, đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách trực tiếp từng dự án để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện và giải ngân; chủ động xây dựng mốc giải ngân theo từng tháng, để có biện pháp phù hợp.
Cũng như các địa phương khác, để thúc đẩy các dự án trên địa bàn, hết quý II/2022, thị xã Quảng Yên đã nỗ lực giải phóng mặt bằng cho 38 dự án với tổng diện tích thu hồi gần 2.458ha và hơn 5.200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng cho biết: Chúng tôi luôn nắm bắt tâm tư, tư tưởng của người dân, thậm chí tính toán thời điểm phù hợp sao cho bảo đảm tính hiệu quả từ khâu chuẩn bị, lập dự án. Và đây cũng là yếu tố thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trên địa bàn đúng tiến độ.
Tại huyện miền núi Bình Liêu, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều cộng với công tác giải phóng mặt bằng chưa đạt tiến độ đề ra, đến nay, huyện mới giải ngân vốn đầu tư công được 217,2 tỷ đồng, đạt gần 40% tổng kế hoạch vốn của huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Đỗ Xuân Trường cho biết: Huyện đã bám sát các chỉ đạo và giải pháp của tỉnh, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện tích cực phối hợp các nhà thầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt tăng cường công tác giám sát thi công bảo đảm chất lượng công trình, nghiệm thu và quyết toán dự án hoàn thành đúng quy định.
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu gắn trách nhiệm và tăng cường hơn nữa vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư trong triển khai quyết liệt các giải pháp tăng tỷ lệ nguồn vốn đầu tư công gắn với khối lượng hoàn thành và nâng cao chất lượng công trình, dự án, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn. Đồng thời tỉnh kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đối với các dự án chậm triển khai, không bảo đảm tỷ lệ giải ngân cho các công trình, dự án có chất lượng chuẩn bị đầu tư tốt hơn, đang có nhu cầu vốn, có tiến độ giải ngân tốt hơn và có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Tỉnh sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, gắn với trách nhiệm người đứng đầu ở các cấp ngân sách, các cơ quan quản lý trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Kết quả giải ngân là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tuyệt đối không để tồn dư dự toán lớn như các năm trước. Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát lại tiến độ, lập chi tiết triển khai các dự án để điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn bảo đảm tiến độ giải ngân và yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư công.
Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đất đai, tài nguyên; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện, đồng thời tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, công khai, minh bạch tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện ■