Tăng tốc xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương trong cả nước đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới theo hướng hiện đại và đồng bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT

Cùng với đó, tư duy kinh tế nông nghiệp bước đầu lan tỏa, tác động vào quá trình phát triển kinh tế ở nông thôn. Môi trường, cảnh quan nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...

Ðến nay, cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 1.860 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 340 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 283 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm mới của giai đoạn 2021-2025 là cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chương trình chuyên đề gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển du lịch nông thôn; khoa học-công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự.

Ðến nay, cả nước đã có 12.075 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó, có 42 sản phẩm đã được công nhận 5 sao cấp quốc gia.

Tại nhiều địa phương, các chương trình chuyên đề đã hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả bước đầu, nhất là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tiềm năng, lợi thế, các giá trị bản địa của các vùng, miền, địa phương; khơi dậy tư duy sáng tạo, đổi mới, truyền tải được những giá trị văn hóa truyền thống, hồn cốt của dân tộc trong từng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đổi mới toàn diện, đa giá trị. Ðến nay, cả nước đã có 12.075 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó, có 42 sản phẩm đã được công nhận 5 sao cấp quốc gia. Chất lượng, độ tin cậy của các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì kết quả xây dựng nông thôn mới chưa có chiều sâu, thiếu sự bền vững, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền (nhất là các tỉnh miền núi); vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới cấp thôn, bản còn khó khăn. Chất lượng và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp.

Thời gian còn lại của giai đoạn 2021-2025 không nhiều, tính đến nay, cả nước có hơn 1.500 xã mới đạt dưới 15 tiêu chí; trong khi phải tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới đồng thời với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, năm 2024 cần được xác định là năm tăng tốc, cần có những giải pháp chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn. Các địa phương một mặt giữ vững thành tích đã đạt được, mặt khác cần tập trung phân tích, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc để kịp thời khắc phục, giải quyết. Bên cạnh đó, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, nhất là các địa phương chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các huyện còn "trắng xã nông thôn mới".

Hơn nữa, cơ chế khuyến khích các xã khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương còn rất hạn chế...Thực tiễn khó khăn trong bối cảnh cụ thể từng địa phương, nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế cũng đang đặt ra đối với các bộ, ngành Trung ương, trong thời gian tới, cần có định hướng nội dung, tiêu chí, cách thức xây dựng nông thôn mới cụ thể hơn, nhất là xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của từng vùng, miền…