Trên quê hương Anh hùng Phan Đình Giót

NDO - Xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) không chỉ được biết đến là quê hương của người Anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai-Phan Đình Giót, nơi đây còn được biết đến là địa phương “đi đầu, bước trước” trong quá trình hiến đất, mở đường xây dựng nông thôn mới và triển khai các công trình trọng điểm của quốc gia đi qua địa bàn Hà Tĩnh.
0:00 / 0:00
0:00
Đường về Cẩm Quan-xã nông thôn mới nâng cao.
Đường về Cẩm Quan-xã nông thôn mới nâng cao.

Chúng tôi có mặt tại xã Cẩm Quan vào đúng dịp cả dân tộc đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, được hòa mình dưới bóng hàng cây xanh lượn quanh những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu để cảm nhận rõ hơn sự đổi thay tại vùng quê bán sơn địa này.

“Con đường mà chúng ta đang đi, trước đây chỉ rộng chừng 3m. Nếu không có sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của bà con nhân dân thì làm gì có tuyến đường khang trang, rộng 9m, rợp bóng cây xanh như thế này”, ông Đặng Thế Hân, Trưởng thôn Chi Quan (Cẩm Quan) mở đầu câu chuyện.

Ông Đặng Thế Hân cho biết: Tuyến đường nối thôn Chi Quan với Tân Tiến dài hơn 1km mặc dù là tuyến đường trục của xã, tuy nhiên do xây dựng từ lâu nên mặt đường đã xuống cấp, chiều rộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày càng nhiều của bà con. Năm 2022, khi có chủ trương đầu tư, mở rộng tuyến đường, Ban cán sự thôn đã thông báo rộng rãi phương thức đầu tư, huy động nguồn lực xây dựng tuyến đường này. Theo đó, ngoài phần chi phí xây lắp được nhà nước hỗ trợ, toàn bộ nguồn lực giải phóng mặt bằng phải do người dân đảm nhận.

Trên quê hương Anh hùng Phan Đình Giót ảnh 1

Cán bộ, nhân dân thôn Chi Quan trao đổi về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Qua tính toán sơ bộ, tuyến đường mở rộng sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất ở và tài sản trên đất của 32 hộ dân. Theo mức giá bồi thường thời điểm đó, giải phóng mặt bằng sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng. Chủ trương huy động nguồn lực từ dân để giải phóng mặt bằng nhanh chóng được người dân đồng tình ủng hộ và tích cực triển khai. Tất cả các hộ có đất, tài sản bị ảnh hưởng đều tự nguyện hiến đất, tháo dỡ, di dời tài sản để nhường mặt bằng sạch triển khai dự án. Các hộ gia đình: Phạm Viết Công, Đặng Văn Hóa, Lê Quang Nguyện… còn tự nguyện phá dỡ hàng rào mới xây, đất ở có giá trị hàng trăm triệu đồng để mở rộng tuyến đường.

“Đường sá được xây dựng khang trang, người dân được thụ hưởng thành quả ngay trên chính công trình do mình góp công mang lại, bà con càng phấn khởi, nhiệt tình hơn khi tham gia việc làng, việc xã”, Thôn trưởng thôn Chi Quan Đặng Thế Hân nhấn mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Huy Long, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Quan, không riêng gì người dân thôn Chi Quan, tất cả các hộ dân ở xã Cẩm Quan đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, tài sản trên đất để xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, thông qua cơ chế "nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con xã Cẩm Quan đã đóng góp hơn 20 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng các thiết chế, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất.

Trên quê hương Anh hùng Phan Đình Giót ảnh 2

Người dân xã Cẩm Quan chăm chút không gian nông thôn mới.

Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, xã Cẩm Quan đã huy động sức dân xây dựng gần 9km đường trục thôn, xóm, láng 20km lề đường, thảm nhựa 3km và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng 32 mô hình sản xuất hiệu quả… đưa thu nhập đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm. Nhờ tinh thần đồng lòng, quyết tâm của bà con, địa phương mới vượt qua khó khăn, thử thách và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

Được biết, bên cạnh điển hình vượt khó trong xây dựng nông thôn mới, xã Cẩm Quan còn được ghi nhận là đơn vị đi đầu trong quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng đường cao tốc bắc-nam và dự án xây dựng đường dây 500kV mạch 3 nối Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Núi (Hưng Yên).

Theo tính toán, trên địa bàn xã có 370 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 3 hộ phải thực hiện tái định cư và địa phương phải di dời 170 ngôi mộ… Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền và người dân đã đồng thuận, hoàn thành việc di dời, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công 2 dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn.

Trên quê hương Anh hùng Phan Đình Giót ảnh 3

Phối cảnh công trình Khu lưu niệm Anh hùng Phan Đình Giót.

Dẫn chúng tôi tham quan công trình xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Phan Đình Giót, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Quan, Nguyễn Huy Long cho biết: Công trình Khu lưu niệm Anh hùng Phan Đình Giót được khởi công từ tháng 2/2024, có tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, được huy động từ nguồn xã hội hóa. Dự án công trình tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Đình Giót được quy hoạch, thiết kế bài bản, đồng bộ, xây dựng ngay trên chính nền ngôi nhà nơi sinh ra và lớn lên của Liệt sĩ.

Công trình bao gồm các hạng mục: Nhà thờ thiết kế 3 gian bằng vật liệu gỗ, nhà đón tiếp trưng bày, sân vườn, cảnh quan cải tạo giếng làng, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác, đảm bảo thiết kế quy hoạch kiến trúc hài hòa bản sắc địa phương. Trong khuôn viên sẽ được trồng 300 cây hoa ban đỏ-loài cây đặc trưng của vùng miền núi Tây Bắc, là biểu tượng của vùng đất đã chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc: Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Quan vui mừng chia sẻ: Công trình được triển khai đúng vào dịp chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ và nhân dân. Sau khi công trình đưa vào sử dụng, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với gia đình, dòng họ chăm sóc, quản lý Khu lưu niệm trở thành “địa chỉ đỏ”-nơi tưởng nhớ và tri ân anh hùng Phan Đình Giót và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lý tưởng cộng sản cho thế hệ trẻ.

Anh hùng Phan Đình Giót sinh năm 1922 ở thôn Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trong một gia đình nghèo. Bố mất sớm, hai anh em Phan Đình Giót và Phan Đình Giót sống cùng mẹ trong cảnh nghèo khó. Từ năm 7 tuổi, 2 anh em đã phải đi ở đợ cho địa chủ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Phan Đình Giót tham gia lực lượng tự vệ chiến đấu, năm 1950, ông xung phong vào bộ đội chủ lực và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Phan Đình Giót đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, như: chiến dịch Trung Du, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh nào, ông cũng nêu cao tinh thần quả cảm, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong ngày 13/3/1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh hùng Phan Đình Giót đã chiến đấu kiên cường và dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Khi hy sinh, đồng chí là Tiểu đội phó bộ binh thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312.