Tăng tốc truy vết, khoanh gọn vùng dịch trước thềm Tết nguyên đán

NDO -

Sáng 3-2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải tiếp tục chạy đua với thời gian, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp sáng 3-2. (Ảnh: VGP)
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp sáng 3-2. (Ảnh: VGP)

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, trân trọng cảm ơn sự nỗ lực của tất cả các đội ngũ tham gia chống dịch, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc, công an, quân đội, nhân dân trong vùng dịch…

Phó Thủ tướng cho biết, đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn và địa phương, ổ dịch ở Vân Đồn đã kiểm soát được, ổ dịch ở Chí Linh đã khoanh vùng được và kiểm soát tốt. Ở Hà Nội đã làm rất tích cực, rất sớm, bài bản, nên hơn 17.000 mẫu cần xét nghiệm của những người về từ vùng dịch TP. Chí Linh (Hải Dương) cơ bản hoàn thành, vì vậy đã kiểm soát được nguồn từ ổ dịch Chí Linh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta vẫn phải chạy đua với thời gian để bà con nhân dân cả nước ngoài vùng dịch, và kể cả trong vùng dịch, sớm yên tâm sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị đón Tết.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác cách ly và đã cách ly là phải an toàn. Thực tế vừa qua, những ngày đầu trong các khu cách ly rất khổ, vất vả và tiềm ẩn không ít rủi ro. Lực lượng quân đội tiếp tục tăng cường, sẵn sàng cho các địa phương khác trong tổ chức cách ly tập trung.

Bên cạnh đó, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội qua thực tiễn cách ly trong trường học, những địa điểm công cộng trong xã, thôn thì cần mạnh dạn nghiên cứu các mô hình cách ly tập trung quy mô nhỏ hơn.

“Vừa qua các đồng chí đã đề ra mô hình phong tỏa trong phong tỏa, thì trong cách ly tập trung cũng cần mạnh dạn làm thử ở một số điểm trên tinh thần gọn, nhỏ, an toàn”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Đối với những địa phương đang phong tỏa, Phó Thủ tướng lưu ý mục đích của việc phong tỏa là kiểm soát được người đi ra ngoài, nhưng bên trong cũng phải kiểm soát nếu không rất nguy hiểm. Phong tỏa cố gắng ở quy mô nhỏ nhất có thể. Chúng ta đã có mô hình phong tỏa trong phong tỏa, xã trong thành phố, cần tiếp tục rút kinh nghiệm làm nhỏ hơn nữa như phong tỏa thôn trong xã, cụm dân cư trong thôn, hay phong tỏa “có thời hạn linh hoạt” để điều tra dịch tễ…

Đối với công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát và sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, sinh phẩm để chi viện cho từng khu vực, cùng với đó tổ chức xét nghiệm cộng đồng rộng ở một số nơi.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Và một trong những biện pháp sẵn sàng là phải khai báo y tế. Các doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông sẽ nhắn tin cho các thuê bao đi từ vùng dịch ra yêu cầu phải khai báo y tế. Trường hợp nào cố tình không khai báo y tế sau khi đã có khuyến cáo sẽ bị từ chối dịch vụ.

Nhấn mạnh giải pháp đeo khẩu trang là an toàn, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả các địa phương phải quyết liệt, xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng.

Các địa phương phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm tất cả các cơ sở y tế, trường học, nơi lưu trú, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, phương tiện giao thông công cộng, xe khách liên tỉnh…, đặc biệt những nơi bán hàng tết, chợ hoa Tết phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ và cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

“Chúng ta phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn”, Phó Thủ tướng nói.

Về tình hình bệnh tại Gia Lai, Bộ trưởng  Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin thêm, tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn… Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu.

Ngay lập tức, sáng nay, Bộ Y tế đã cử các đoàn vào cắm chốt tại Gia Lai, điều Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sang hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm của Gia Lai từ 200 mẫu/ngày lên 1.000 mẫu.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng điều chuyên gia của Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh lên thiết lập thêm một phòng xét nghiệm tại Gia Lai để nâng công suất xét nghiệm tại đây lên. Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị ngành y tế Đà Nẵng điều động ngay đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng lên hỗ trợ Gia Lai về công tác truy vết.

Sáng nay, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng các chuyên gia của BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy vào hỗ trợ tỉnh Gia Lai. Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.

Trước diễn biến mới của dịch bệnh do chủng mới của virus SARS-CoV-2, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, yêu cầu việc thực hiện khai báo y tế toàn dân; Bộ Y tế theo dõi, cập nhật, công bố thông tin lên trang Bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19. Các doanh nghiệp viễn thông thống đồng ý, những đối tượng từ vùng dịch trở về, sau khi nhắc nhở lần thứ nhất vẫn không khai báo y tế, sẽ không được sử dụng dịch vụ viễn thông.

Trước nhận định của các chuyên gia “đeo khẩu trang cơ bản vẫn là biện pháp an toàn nhất để phòng, chống dịch bệnh”, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, tất cả các địa phương kiên quyết xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế).

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan