Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, tổng diện tích chuyển đổi phải trồng rừng thay thế của cả nước là hơn 22.000ha trong đó tổng diện tích đã trồng rừng thay thế là 15.000ha (đạt 68,4%). Bao gồm, diện tích trồng rừng đặc dụng là gần 2.000ha; diện tích trồng rừng phòng hộ 8.000 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất là hơn 5.000ha.
Thực hiện Luật Lâm nghiệp ngày 25/10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Theo đó, đã cụ thể hóa các quy định về trồng rừng thay thế được quy định tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
Thông tư hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền về quỹ tỉnh, hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ,... tạo điều kiện thuận lợi để chủ dự án thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế. Sau hơn hai năm thực hiện, chính sách đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, góp phần nâng cao diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên. Tuy vậy, theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, thực tế đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, đối với đối tượng đất trồng rừng thay thế, theo quy định kinh phí sử dụng trồng rừng thay thế chỉ được thực hiện đối với rừng phòng hộ, đặc dụng và hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Quỹ đất lâm nghiệp để trồng rừng phòng hộ, đặc dụng cơ bản đã có rừng nhưng chất lượng rừng không cao, khả năng phòng hộ kém bền vững... dẫn đến việc bố trí quỹ đất trồng rừng thay thế ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Hiện nay công tác quản lý, giám sát trồng rừng thay thế tại các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do các quy định chưa phù hợp thực tiễn, việc phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm và chính quyền địa phương chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, việc thanh lý rừng trồng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bị thiệt hại do thiên tai hiện vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, một số chủ dự án tự trồng rừng thay thế sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án trồng rừng thay thế và quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng chậm tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế hoặc không trồng đủ diện tích phải trồng theo phương án, thậm chí có biểu hiện chây ỳ, gây khó khăn trong công tác quản lý ở địa phương.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT trồng rừng thay thế khi chuyển đất rừng sang sử dụng vào mục đích khác. Thông tư được áp dụng với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo đó, chủ dự án tự tổ chức trồng rừng thay thế phải có diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất được Nhà nước giao, cho thuê để trồng rừng theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt nộp tiền trồng rừng thay thế.
Ngành lâm nghiệp, chính quyền các địa phương cần chủ động phối hợp trong quá trình trồng rừng thay thế, từ khâu quy hoạch đến công tác trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương; tổ chức đánh giá tổng thể diện tích đã trồng rừng thay thế.
Diện tích có tỷ lệ cây sống thấp, phát triển không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cần được khẩn trương trồng dặm với loại cây thích hợp, nhằm bảo đảm về mật độ theo thiết kế kỹ thuật, khả năng sinh trưởng đồng đều giữa các loại cây trên cùng diện tích.