Tăng thời lượng giải trình, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội

NDO - Chiều 24/10, tham gia thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần dành thêm thời gian cho việc giải trình trên nghị trường, vì giải trình cũng là tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng giải trình của Chính phủ trước Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại Tổ 13 chiều 24/10. (Ảnh: DUY LINH)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại Tổ 13 chiều 24/10. (Ảnh: DUY LINH)

Tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động chất vấn

Thảo luận ở Tổ 13, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhiều vấn đề liên quan nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội, trong đó tập trung nâng cao chất lượng giải trình và chất vấn.

Thủ tướng nêu rõ, trong hoạt động chất vấn, cơ quan soạn thảo Nghị quyết cũng muốn câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Chất vấn mà chỉ hỏi 1 phút cũng phải cân nhắc thêm. “Trước ta quy định 2 phút nhưng cũng có đại biểu giải thích mãi không ra được câu hỏi”, Thủ tướng nêu.

Về trả lời chất vấn, Thủ tướng cho rằng không nên “quá cứng” mà nên quy định từ 3 đến 4 phút. “Một vấn đề phức tạp, khó, nhạy cảm… thì nhiều khi cũng cần thêm thời gian. Ta tăng tính chuyên nghiệp cũng nên cân nhắc chỗ này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị nên nhắc cơ quan trình các dự luật, dự thảo cố gắng kịp thời gian và nâng cao chất lượng. “Kịp thời gian mà chất lượng không cao thì không bảo đảm. Nên tính toán cho phù hợp, chất lượng”, Thủ tướng nói.

Tăng thời lượng giải trình, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại Tổ 13 chiều 24/10. (Ảnh: DUY LINH)

Thủ tướng cũng cho rằng, việc xin nghỉ họp của các đại biểu cũng nên phân cấp, nếu nghỉ 2 ngày thì báo cáo ai, 3-4 ngày thì báo cáo ai. “Nếu tất cả đều đưa lên Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội… thì tính khả thi không cao”, Thủ tướng nói.

Cũng liên quan giải trình ý kiến thảo luận tại phiên họp tại hội trường, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, cần có quy định về khoảng thời gian cần thiết để thành viên Chính phủ giải trình, tiếp thu về quá trình chỉnh lý dự án luật.

Liên quan đến khoản 2 Điều 38 của dự thảo Nghị quyết về trình tự phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ, theo quy định tại khoản 3 Điều 98 của Hiến pháp 2013 thì Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội phê chuẩn để bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ khác.

Bộ trưởng Tư pháp đề nghị cân nhắc lại quy định tại khoản 2 Điều 38 của Nghị quyết quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến. Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, cần cân nhắc chủ thể ở đây là Thủ tướng Chính phủ chứ không phải là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì thẩm quyền này đã được Hiến pháp quy định.

Bố trí thời gian chất vấn hợp lý

Tăng thời lượng giải trình, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội ảnh 2

Đại biểu Hà Thị Nga (Đồng Tháp) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Thảo luận tại Tổ 7 về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hà Thị Nga (Đồng Tháp) nhấn mạnh, cần dành thời lượng thỏa đáng cho các đồng chí lãnh đạo, đại diện các cơ quan soạn thảo thay mặt Chính phủ giải trình các nội dung dự thảo luật, trao đổi những vấn đề, nhất là những vấn đề còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Theo đại biểu, cần phải bố trí thời gian hợp lý hơn, có thể là không quá 15 phút, cho các hoạt động này.

“Chứ có 10 phút thì quả thật là rất khó để các Bộ trưởng có thể nói được hết những vấn đề mà mình cần phải chia sẻ, không chỉ là với đại biểu Quốc hội mà với cả cử tri cả nước. Trong thực tế thời gian vừa qua, tôi thấy rằng hầu như không có Bộ trưởng nào mà trong 10 phút có thể nói đủ, Bộ trưởng nào cũng phải xin bổ sung thêm thời gian giải trình”, đại biểu Hà Thị Nga nêu.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đề nghị cần bố trí thời gian hợp lý, linh hoạt để bảo đảm tất cả các đại biểu Quốc hội đã đăng ký phát biểu đều có thể được phát biểu.

“Các đại biểu Quốc hội đã chuẩn bị ý kiến rất công phu, kỹ lưỡng. Do vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu, bố trí thời gian linh hoạt hơn để tất cả các đại biểu Quốc hội đã đăng ký thì đều có thể được phát biểu”, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nói.

Tăng thời lượng giải trình, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh, về Điều 6 liên quan chương trình kỳ họp Quốc hội, nên tiếp tục nghiên cứu xây dựng chương trình kỳ họp khoa học, hợp lý, không bị rút ngắn thời gian và bố trí quá nhiều nội dung trong 1 buổi họp, dẫn đến các đại biểu Quốc hội không có nhiều thời gian nghiên cứu, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Tại Điều 7 về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, đại biểu cũng đề nghị quy định rõ về thời gian gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội để bảo đảm các đại biểu có đủ thời gian nghiên cứu các tài liệu kỳ họp một cách thấu đáo, kỹ lưỡng, qua đó tham gia có chất lượng vào các buổi họp.

Tại khoản 3, Điều 5, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị bổ sung các cơ quan nhà nước, cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang… của các địa phương có thể được tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội.

Hiện nay, trong dự thảo mới quy định các cơ quan Trung ương được tham dự theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và các lãnh đạo các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong thực tế các kỳ họp vừa qua, một số kỳ họp Quốc hội đã cho phép những đoàn đại biểu của các địa phương được tham dự các kỳ họp công khai của Quốc hội. Do vậy, đại biểu đề nghị cũng nên đưa vào nội quy kỳ họp Quốc hội nội dung này.