Chính sách & Cuộc sống

Tăng nặng xử phạt đối với người lái xe khi đã uống rượu, bia

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được Ðảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn và an sinh xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.

Từ chỗ mỗi năm có gần 12 nghìn người chết vì TNGT, đến năm 2018, giảm còn hơn 8.200 người. Tuy nhiên, mỗi ngày TNGT vẫn cướp đi mạng sống của 21 người, khiến gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, đem đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng. Ðáng chú ý, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT do lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra, khiến dư luận bức xúc. Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết, năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn; bốn tháng đầu năm 2019, xử lý gần 50 nghìn trường hợp.

Theo quy định tại khoản 8, Ðiều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hành vi điều khiển xe máy, ô-tô có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Nghị định số 46/2016 quy định xử phạt hành chính từ 16 đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ bốn đến sáu tháng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, người vi phạm.

Theo các chuyên gia, trên thế giới hiện nay đang dùng đồng thời cả bốn công cụ rất hiệu quả phối hợp để ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn, đó là: hình sự, hành chính, giáo dục và kinh tế. Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ đang chú trọng vào việc xử phạt hành chính là phạt tiền và chỉ xử lý về mặt hình sự đối với những vụ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Vi phạm quy định về nồng độ cồn chỉ là tình tiết tăng nặng. Lái xe sau khi uống rượu, bia là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần có chế tài nghiêm minh hơn để hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn giao thông do rượu, bia.

Nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Chính phủ và các bộ, ngành cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các quy định pháp luật nhằm giảm nguy cơ xảy ra vi phạm nồng độ cồn của người lái xe; bổ sung hình thức, tăng tính răn đe của các chế tài xử phạt. Các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương cần đề ra chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, nhằm tạo sự vào cuộc, hưởng ứng mạnh mẽ, tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, cần gắn trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm trật tự ATGT, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, nhất là quy định "Ðã uống rượu, bia - Không lái xe" trong các tầng lớp nhân dân. Các lực lượng công an, thanh tra giao thông cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường các tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, với phương châm "làm kiên trì, liên tục, xử lý nghiêm khắc, không có vùng cấm".