Tăng lương danh nghĩa thực chất là một nhân tố kích cầu

Phóng viên: Sau khi Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu và tăng phụ cấp đối với người nghỉ hưu và người hưởng lương từ ngân sách, người dân đã thực sự lo lắng khi thị trường giá cả sẽ tăng. Ý kiến ông thế nào?

Ông Ngô Trí Long: Lo lắng tăng giá của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Tuy Nhà nước không phát hành thêm khối lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng khi lương tăng thì thu nhập của những người làm công ăn lương sẽ tăng về mặt lương danh nghĩa.

Như vậy, nhu cầu có khả năng thanh toán của những đối tượng này cũng sẽ tăng, làm cho lượng tiền đổ vào mua sắm sẽ tăng lên. Nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội sẽ càng nhiều hơn khiến cán cân cung - cầu thay đổi.

Tăng lương danh nghĩa thực chất là một nhân tố kích cầu. Đây cũng là một nhân tố tác động đến tăng giá. Đồng thời, khi tăng lương cũng là một nhân tố tâm lý tác động tới diễn biến của giá cả thị trường.

Thực tế, từ trước đến nay mỗi đợt tăng lương thì trước và sau đó một thời gian ngắn giá cả hàng hóa dịch vụ đều có sự biến động nhất định. Sự biến động thường theo chiều hướng tăng, sự biến động đó phụ thuộc vào sự cân đối của quan hệ cung cầu nói chung và của từng loại hàng hóa dịch vụ nói riêng trên thị trường.

Thông thường những mặt hàng chịu tác động sớm nhất của đợt tăng giá là lương thực, thực phẩm và những vật phẩm thuộc nhu cầu thiết yếu. Thực tế này đang xảy ra trên thị trường ở nước ta. Vừa nghe thông tin lương danh nghĩa của các đối tượng hưởng lương và những người hưởng trợ cấp xã hội sẽ tăng bắt đầu từ ngày 1-10-2006, ngay sau đó một số mặt hàng tiêu dùng đã có sự biến động tăng nhẹ.

Phóng viên: Phải chăng việc điều chỉnh tăng lương lần này đã đẩy giá hàng hóa dịch vụ tăng lên, thưa ông?

Ông Ngô Trí Long: Lương danh nghĩa rõ ràng đã được từ 350.000 đồng đến 450.000 đồng, nhưng chưa chắc đã có thể khẳng định được giá cả tăng hay giảm. Tuy nhiên, theo một quy luật thông thường, khi lương danh nghĩa tăng thường có tác động đến giá cả theo xu hướng tăng lên. Mặc dầu theo những lần điều chỉnh lần trước giá không tăng. Nhưng trước khi tăng và thời gian ngắn sau đó bao giờ cũng có biến động theo chiều hướng tăng.

Về mặt nguyên tắc, nếu tăng lương mà tốc độ tăng giá lên ngang bằng với tốc độ tăng lương danh nghĩa, thì việc tăng lương đó sẽ không có ý nghĩa. điều quan trọng nhất đối với người lao động, đó là tiền lương thực tế.

Tiền lương thực tế được biểu hiện bằng tiền lương danh nghĩa chia cho chỉ số giá cả. Nếu lương danh nghĩa tăng, chỉ số giá cả không tăng hoặc tăng thấp hơn tốc độ tăng lương danh nghĩa, thì khi đó tiền lương thực tế mới tăng. Điều đó việc tăng lương danh nghĩa mới có ý nghĩa.

Mục đích của việc tăng lương là phải cải thiện và nâng cao được mức sống cho người lao động. Do vậy, vai trò của Nhà nước trong việc ổn định giá cả thị trường, giữ vững các cân đối vĩ mô là rất quan trọng.

Phóng viên: Vậy trong hoàn cảnh này, Nhà nước cần có biện pháp gì để không xảy ra tình trạng tăng giá các mặt hàng theo kiểu phản ứng dây chuyền?

Ông Ngô Trí Long: Theo tôi, quan trọng nhất là những mặt hàng độc quyền do giá Nhà nước định giá, như: điện, xăng, dầu, cước hàng không,... không được tăng. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện khuyến khích sản xuất phát triển, tăng nguồn cung ứng hàng hóa cho nền kinh tế quốc dân, khuyến khích các doanh nghiệp phấn đấu giảm chi phí sản xuất kinh doanh bằng nhiều hình thức, trong đó làm sao chống lãng phí, chi phí tiêu cực cho các doanh nghiệp,....

Như vậy, theo tâm lý nhất thời một giai đoạn nào đó làm giá cả tăng lên. Chỉ khi nào quan hệ cung cầu về tiền hàng cân đối và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được nâng lên, thì khi đó giá cả thị trường sẽ bình ổn.

Phóng viên: Theo ông, việc tăng lương lần này có nguy cơ tăng mức độ lạm phát hay không?

Ông Ngô Trí Long: Việc tăng lương đã được tính toán theo lộ trình và điều chỉnh tăng mức tăng lương đã được tính toán dựa trên những yếu tố nhất định, như: mức tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến là 8%, chỉ số giá tiêu dùng năm nay thấp hơn mức tăng GDP và mức tiền công trên thị trường lao động trong năm qua tăng khoảng 10%. Bên cạnh đó là những số liệu điều tra tiền lương, tiền công các doanh nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Về phía Bộ Tài chính đã tính toán khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và đưa ra các biện pháp bảo đảm và bố trí nguồn cho kinh phí tăng lương. Nguồn tăng lương cho các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm sẽ được lấy từ khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp; các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ, các địa phương được sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương.

Đối với những địa phương chưa cân đối được nguồn sẽ được Trung ương hỗ trợ. Bên cạnh đó là đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp công; giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp; thực hiện triệt để việc giao kinh phí hoạt động đối với các đơn vị hành chính... Ngoài ra, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất bảo đảm tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt dự toán thu và tăng thu ngân sách...

Và vì thế tôi hy vọng chúng ta kiểm soát được lạm phát. Theo tính toán tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2006 cao nhất cũng chỉ vào khoảng 7,3%. Như vậy đảm bảo mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra là tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng GDP.

Có thể bạn quan tâm