Tăng đối thoại, tạo đồng thuận trong nhân dân

Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng về thực hiện các cơ chế, chính sách, những bất cập, nảy sinh trong quá trình triển khai ở cơ sở; từ đó, sớm có biện pháp khắc phục, điều chỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tại buổi đối thoại với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh về mặt bằng dự án đường vành đai 4.
Người dân tại buổi đối thoại với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh về mặt bằng dự án đường vành đai 4.

Tại thành phố (TP) Bắc Ninh, với phương châm gần dân, trọng dân, thời gian qua, Đảng bộ thành phố đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác đối thoại với nhân dân. Qua đó, nhiều “nút thắt” đã được tháo gỡ, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa,... năng động của tỉnh Bắc Ninh, những năm gần đây, thành phố Bắc Ninh chuyển mình với tốc độ chóng mặt; nhất là về hạ tầng, thương mại, dịch vụ và sự gia tăng dân số cơ học. Do đó, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, cũng nảy sinh không ít vấn đề “nóng”, phức tạp,...

Tháo gỡ kịp thời các điểm “nóng”

Vấn đề người dân TP Bắc Ninh quan tâm nhất và “nóng” nhất là đất đai và ô nhiễm môi trường làng nghề. Đây cũng là hai lĩnh vực mà cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố rất chú trọng trong tổ chức đối thoại, để kịp thời tháo gỡ.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận TP Bắc Ninh có tổng chiều dài hơn 11km. Riêng đoạn qua phường Nam Sơn là 5,9km, diện tích đất phải thu hồi là hơn 45ha, trong đó, hơn 43ha đất nông nghiệp của 1.249 hộ dân, còn lại đất do Ủy ban nhân dân phường quản lý.

Quá trình thực hiện, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành, thông báo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thành phố đến với người dân và được niêm yết công khai.

Một số hộ dân ở khu Sơn Trung chưa hoàn toàn chấp thuận, đề nghị xem xét: Hỗ trợ thêm đơn giá bồi thường; thống nhất số liệu để lập phương án bồi thường; thu hồi cả diện tích đất nông nghiệp xen kẹt, khó canh tác giữa các dự án chồng lấn,...

Với tính chất cấp bách của dự án, trong tháng 4/2023, Ủy ban nhân dân TP Bắc Ninh đã tổ chức đối thoại với các hộ ở khu Sơn Trung có diện tích đất phải thu hồi.

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Bắc Ninh Chu Thanh Hải đã giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền; tổng hợp các kiến nghị của người dân, cùng với các cơ quan chức năng xem xét, nhanh chóng tháo gỡ. Sau đó, người dân Sơn Trung đều chấp hành di dời và đồng thuận với việc triển khai dự án.

Dự án mở rộng cầu Như Nguyệt (tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn) qua địa phận phường Đáp Cầu (TP Bắc Ninh), cũng từng là điểm nóng về giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, 16 hộ dân có đất thổ cư trong diện phải di dời không đồng thuận về chính sách bồi thường. Sau gần một năm tuyên truyền, hai lần lãnh đạo thành phố trực tiếp đối thoại, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn băn khoăn, cùng nhiều biện pháp vận động, thuyết phục khác, giữa tháng 2/2023, người dân đã bàn giao đất cho nhà đầu tư.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Đáp Cầu Hạ Thế Long, vấn đề mấu chốt là người dân phải rõ mới đồng thuận và ủng hộ công việc chung. Khi đã hiểu rồi thì giữa cái chung và cái riêng, người dân sẵn sàng hy sinh cái riêng vì lợi ích chung.

Ô nhiễm môi trường ở làng giấy Phong Khê cũng là điểm nóng trong thời gian dài của TP Bắc Ninh; nhưng đã có sự chuyển biến rõ nét trong gần 3 năm qua: Tình trạng ô nhiễm được cải thiện đáng kể, những cơ sở vi phạm bị xử phạt nghiêm minh, đình chỉ hoạt động; những cơ sở vận hành phải tuân thủ đúng quy định về xử lý ô nhiễm môi trường; đồng thời, bảo đảm đúng lộ trình chuyển đổi, di dời đến năm 2025 và 2030 theo Đề án đã được phê duyệt.

Kết quả này có được sau rất nhiều giải pháp quyết liệt của lãnh đạo và các sở, ngành chức năng của tỉnh và thành phố Bắc Ninh. Trong đó, nhiều cuộc đối thoại với tinh thần thẳng thắn, xây dựng đã được tổ chức giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân, các cơ sở sản xuất.

Theo anh Nguyễn Công Hùng (người dân phường Phong Khê), môi trường ở Phong Khê hôm nay đã được cải thiện, rõ nhất là nước thải, khí thải được kiểm soát tốt, không còn các cột khói đen xả ra bên ngoài; chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.

Nâng cao chất lượng đối thoại với dân

Thực hiện Quyết định số 819-QĐ/TU, ngày 8/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh về “Quy định lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân”, Thành ủy Bắc Ninh đã đưa nội dung này vào chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp hằng năm, trong đó xác định rõ thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng đối thoại.

Đây cũng là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Trên tinh thần đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, hai cấp của TP Bắc Ninh và các cơ sở trực thuộc đã tổ chức hơn 400 cuộc sinh hoạt, đối thoại trực tiếp với nhân dân ở tất cả các lĩnh vực. Theo ông Trần Văn Xuân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Suối Hoa (TP Bắc Ninh), những nội dung đối thoại được giải quyết ngay tại hội nghị, sau đó, các công việc được triển khai tới dân rất thuận lợi, nhanh gọn, hiệu quả, không còn tồn đọng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Bắc Ninh Nguyễn Hoàng Long cho biết: Thời gian tới, Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo hướng lựa chọn những vấn đề bất cập, nổi cộm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời, mở rộng quy mô, thành phần đối thoại, tạo dựng không khí đối thoại thật sự dân chủ, cởi mở và xây dựng.