Đến nay, Hà Nam đã hình thành hơn 20 hợp tác xã có sản phẩm thế mạnh thuộc sáu nhóm sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị. Việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của hợp tác xã gắn sản phẩm chủ lực địa phương, tiêu biểu như lúa gạo, bún phở khô, bánh đa quạt, bánh tráng đa nem, các loại nấm, sản phẩm dược liệu, rau màu, hoa quả…
Thành lập năm 2022, Hợp tác xã Hoàng Trà, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý đã khắc phục mọi khó khăn của một hợp tác xã mới, ít thành viên, sớm ổn định tổ chức và đi vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Anh Trần Ðăng Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Trà chia sẻ: Năm 2022, chúng tôi được Liên minh Hợp tác xã tỉnh vận động, hướng dẫn làm thủ tục phát triển lên mô hình hợp tác xã kiểu mới. Tham gia hợp tác xã chúng tôi có rất nhiều cơ hội được tham gia các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức giúp cho hợp tác xã cơ hội xây dựng, quảng bá hình ảnh của mình đến với khách hàng. Tuy mới được thành lập và đi vào hoạt động dưới mô hình hợp tác xã, nhưng các sản phẩm nông sản sạch chế biến, đóng hộp của Hợp tác xã Hoàng Trà được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh và khách du lịch biết đến.
Ông Lê Văn Luân, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm cho biết: Hợp tác xã chúng tôi được thành lập từ năm 2022, phục vụ sáu tổ sản xuất cho thị trấn Tân Thanh về mô hình mạ khay máy cấy. Ngay từ khi mới thành lập, hợp tác xã đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Liên minh hợp tác xã tỉnh giúp đỡ để hoàn thiện các thủ tục để được hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật, Trung tâm khuyến nông tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật gieo mạ khay và mua các giá thể làm mạ cho chúng tôi… Ðến nay, các dịch vụ của hợp tác xã đã mang lại hiệu quả thiết thực, mô hình mạ khay máy cấy giúp giảm được tình trạng cỏ ma; chỉ trong 40 phút một máy cấy đã hoàn thành được một mẫu ruộng.
Với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, từ năm 2022 đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đã tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 11 hợp tác xã kiểu mới; tư vấn, hỗ trợ hai hợp tác xã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chuỗi giá trị và hướng dẫn các hợp tác xã hoàn thiện quy trình đăng ký sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ 11 hợp tác xã tham gia hội chợ xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho hơn 800 lượt cán bộ quản lý của các hợp tác xã… Doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã ước đạt hơn 2,2 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận bình quân của một hợp tác xã ước đạt 192 triệu đồng/năm.
Ông Ðỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian qua, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh xây dựng các mô hình hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó, tập trung tư vấn định hướng mô hình sản xuất, hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị. Cùng với đó là kết nối vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm như tư vấn, hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các hợp tác xã, hỗ trợ các hợp tác xã có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Vừa qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đã phối hợp Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bưu điện tỉnh Hà Nam xây dựng sàn giao dịch điện tử với tất cả các hợp tác xã trên địa bàn nhằm thúc đẩy, hỗ trợ hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi cũng hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và xây dựng trang thông tin điện tử cho các hợp tác xã; tổ chức cho các hợp tác xã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao thương, tìm kiếm thị trường tại các hội chợ…
Tuy nhiên, hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Hà Nam đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn hỗ trợ phát triển còn ít hơn so với nhu cầu; chưa bố trí đủ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp xã. Một bộ phận cán bộ, người dân chưa nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế-xã hội cho nên chưa tích cực tham gia, xây dựng hợp tác xã. Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 thành lập mới được năm liên hiệp hợp tác xã, 150 hợp tác xã và 300 tổ hợp tác; có khoảng 80-90 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, mở rộng dịch vụ, liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; 20 hợp tác xã có sản phẩm OCOP đạt từ bốn sao trở lên ■