Tăng cường vai trò các cơ quan tư pháp trong giải quyết các vụ việc tố cáo, khiếu nại về đất đai

NDO - Chiều 9/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 7/2022 của Quốc hội. Trình bày báo cáo tóm tắt công tác dân nguyện tháng 7/2022 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so tháng 6/2022.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 318 lượt với 1.116 công dân đến trình bày về 313 vụ việc, trong đó khiếu nại 172 vụ việc, tố cáo 28 vụ việc, kiến nghị, phản ánh 113 vụ việc và có 25 lượt đoàn đông người đến trình bày về 24 vụ việc (so tháng 6, giảm 139 lượt với 395 công dân về 127 vụ việc và 32 lượt đoàn đông người).

Tình trạng công dân tập trung đông người tại Hà Nội để khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp. Qua rà soát, hiện còn khoảng 80 công dân khiếu kiện của 19 địa phương đang lưu trú trên địa bàn Hà Nội có nhiều hoạt động phức tạp về an ninh trật tự.

Đây là các vụ việc đã được các cơ quan ở Trung ương và địa phương giải quyết hết thẩm quyền, nhiều vụ việc đã được các cơ quan Trung ương tiếp, thực hiện rà soát, đã kết luận, thậm chí đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm, nhưng tình trạng tái khiếu, tái tố còn tiếp diễn.

Cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục các công dân trở về địa phương nhưng số công dân này không hợp tác.

Tăng cường vai trò các cơ quan tư pháp trong giải quyết các vụ việc tố cáo, khiếu nại về đất đai ảnh 1
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp.

Cho ý kiến về nội dung này, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Công an vào cuộc làm rõ các đoàn khiếu kiện tập trung đông người ở Hà Nội, nhất là ở khu vực quận Ba Đình, là từ địa phương nào đến; họ bức xúc về vấn đề gì, vấn đề đó đã được giải quyết như thế nào; làm rõ có hay không những đối tượng nhận tiền để đi khiếu kiện chuyên nghiệp, làm mất an ninh, trật tự hoặc để kẻ xấu quay phim, chụp hình đưa lên mạng, xuyên tạc về tình hình thực tế ở nước ta…

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; trong đó có nêu vấn đề tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với những vụ việc như thế này, các cơ quan chức năng cần có hình thức phù hợp thông báo cho đương sự, trả lời dứt điểm là cơ quan Nhà nước đã giải quyết hết thẩm quyền theo thẩm quyền về hành chính, không còn gì giải quyết được.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Nếu công dân vẫn chưa đồng ý và tiếp tục muốn khiếu kiện thì hướng dẫn họ khởi kiện để giải quyết theo trình tự tố tụng tại tòa án.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân khiếu nại, tố cáo giảm nhưng lại diễn biến phức tạp; đánh giá một cách toàn diện, khách quan về công tác tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, phản ánh cũng như đơn thư khiếu nại, tố cáo trong tháng 7/2022 và giai đoạn 2016-2021 theo chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.