Theo đó, ranh mặn 4g/l trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) có khả năng xâm nhập sâu cách cửa biển 53 - 60km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại (Tiền Giang) mặn nhập từ 45 - 55km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên (Bến Tre) mặn xâm nhập tứ 50 - 57 km; trên sông Hậu mặn xâm nhập từ 45 - 53 km.
Để kịp thời điều hành, chỉ đạo ứng phó với tình hình xâm nhập mặn ngay những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngày 2-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo đoàn công tác của Cục Trồng trọt do Phó Cục trưởng Lê Thanh Tùng làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế tại đồng ruộng và làm việc về tình hình xâm nhập mặn tại Long An và Tiền Giang.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Nguyễn Chí Thiện cho biết, đông xuân 2020 - 2021, nông dân Long An xuống giống hơn 227.000 ha lúa, đến nay đã thu hoạch hơn 30.000 ha, năng suất bình quân 6,3 tấn/ha. Về tình hình xâm nhập mặn, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 4.000 ha trồng lúa, chanh, thanh long… tại bảy địa phương là: TP Tân An, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hào, Cần Đước và Cần Giuộc có khả bị ảnh hưởng của năng hạn, thiếu nước tưới do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Trước tình hình này, Sở NN-PTNT Long An đã triển khai nhiều giải pháp công trình, phi công trình, lắp đặt hai trạm bơm điện, tuyên truyền vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Hiện tại, UBND tỉnh Long An đã công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trong tỉnh huống “Rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn cấp độ 1”. Việc công bố là nhằm tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn trong thời gian tới, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.
Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, đông xuân 2020 - 2021, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống hơn 1,5 triệu ha, đến cuối tháng một tại các vùng nhiễm mặn của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng đã chủ động xuống giống sớm và có hơn 200.000 ha lúa thu hoạch. Trong tháng 2, tiếp tục thu hoạch 400.000 ha và trong tháng 3 sẽ thu hoạch phần diện tích còn lại.
Như vậy, việc các địa phương tổ chức sản xuất tập trung để tránh xâm nhậm mặn, đồng thời tập trung xuống xuống để phân bố sản lượng lúa cho thị trường trong nước và xuất khẩu đã cho kết quả rất tốt. Đến thời điểm này, hầu hết các trà lúa đã vượt được sự đe dọa của hạn, xâm nhập mặn và nếu tình hình mặn có diễn ra gay gắt hơn năm trước thì cũng có thể tránh được.
Thứ hai, đối với tình hình dịch hại trên cây lúa đến thời điểm này không xảy ra sự cố gì lớn, như vậy ước sản lượng lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 sẽ tăng hơn so cùng kỳ năm trước và lượng gạo hàng hóa dành xuất khẩu khoảng ba triệu tấn.
Qua kiểm tra thực tế, các trà lúa chuẩn bị thu hoạch trong tháng 2 trên địa bàn huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đang phát triển rất tốt, nước trên đồng cũng đầy đủ, lúa sinh trưởng tốt, bảo đảm năng suất và chất lượng gao. Nhìn chung, trong khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long, cây lúa vụ đông xuân đều tốt. Hiện tại, vẫn còn một đợt mặn gay gắt từ ngày 8-2 đến 16-2 (từ 25 đến mùng 5 Tết Tân Sửu) sẽ có khả năng làm khoảng một triệu ha lúa trên đồng của các tỉnh thuộc sông Tiền và Sông Hậu thiếu nước, trong đó có khoảng 400 nghìn ha lúa ở giai đoạn trổ bông, khoảng 600 nghìn ha ở giai đoạn đẻ nhánh.
Như vậy, nếu các địa phương tích nước một cách đầy đủ trong các kênh mương thủy lợi cũng như đưa nước lên đồng một cách đầy đủ trước khi lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long thấp thì vẫn có thể qua được khi tình hình khô hạn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con nông dân 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung các tỉnh ven biển nói riêng, dịp Tết cổ truyền, nên thăm đồng và đưa nước vào, tránh tình trạng khô hạn cục bộ, góp phần tăng sản lượng cũng như bảo đảm thu nhập của bà con trong vụ đông xuân này.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở các cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ từ 26-2 đến 2-3, tháng 3 (từ 12 đến 16-3, từ 25 đến 29-3); riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn (Kiên Giang) vào tháng 3, 4 (từ 9 đến 14-4, từ 24 đến 28-4).
Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường còn biến động trong thời gian tới. Vì vậy, các địa phương vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn một cách tốt nhất.
* Ngày 2-2, các đơn vị trực thuộc Bộ NN và PTNT có buổi làm việc với Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang và đi thực địa để đánh giá tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2021.
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang, mặn năm 2020-2021 đến trễ hơn mùa mặn 2015-2016 khoảng 20 ngày và trễ hơn năm 2019-2020 khoảng 45 ngày.
Trong tuần qua, độ mặn trên sông Tiền và kênh Chợ Gạo tăng cao do ảnh hưởng triều cường và gió chướng mạnh.
Độ mặn trên sông Tiền đã vượt qua Vườn hoa Lạc Hồng (TP Mỹ Tho) ở mức trên 2 g/l; và độ mặn xấp xỉ 0,3 g/l đã xâm nhập sâu vào nội đồng 55 km. Năm nay, diễn biến mặn phức tạp và tăng nhanh bất thường.
Trước tình hình trên, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện rất nhiều giải pháp công trình và phi công trình như: vận hành các trạm bơm, nạo vét các tuyến kênh, đắp các đập để ngăn mặn và trữ nước ngọt, khuyến cáo nhân dân trữ nước ngọt, cắt vụ lúa thu đông 2020; khoan 14 giếng dự phòng…