Hầu hết đơn vị xuất bản đều hiện diện trên nền tảng Facebook, dưới dạng fanpage (trang chính thức) và group (nhóm). Một số đơn vị có cả group chat (nhóm tin nhắn) đi kèm với group. Trong khi đó, có đơn vị xuất bản rất tích cực hoạt động trên nền tảng Instagram, kết hợp cùng nhiều KOL (Key opinion leader - người có sức ảnh hưởng) của cộng đồng đọc nhằm giới thiệu các tác phẩm mới.
Tiếp nối nỗ lực đưa văn hóa đọc lan tỏa rộng rãi hơn, tháng 4/2023, tại Việt Nam, nền tảng TikTok đã khởi động chiến dịch BookTok với các nội dung sáng tạo đa dạng, bao gồm việc tóm tắt sách và giới thiệu sách mới. Thống kê sơ bộ cho thấy, đến tháng 7/2024, doanh thu bán sách qua nền tảng TikTok đã lên tới hơn 500 tỷ đồng. Những thông tin tích cực này cho thấy, truyền thông xuất bản sách trên các nền tảng xã hội đang ngày càng thu hút nhiều bạn đọc hơn.
Thực tế, bằng cách tận dụng tính năng độc đáo của các nền tảng xã hội, các tác giả và nhà xuất bản đã có thêm kênh quảng bá tác phẩm hiệu quả hơn, từ đó nuôi dưỡng tình yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Điển hình như chiến dịch BookTok, trong lần đầu khởi động, tại Việt Nam, BookTok đã thu về 2,5 tỷ lượt xem và 840.000 video đăng tải. Ước tính, chiến dịch có hơn 11 triệu lượt xem và 3.000 video mới trung bình mỗi ngày, xoay quanh những nội dung đầy thú vị từ review (đánh giá) sách, tóm tắt các tựa sách nổi tiếng hay chia sẻ kinh nghiệm viết. Từ đó, người dùng có thể tìm kiếm những quyển sách chất lượng và chia sẻ giá trị thiết thực liên quan đến các loại sách.
Trong khuôn khổ chiến dịch, TikTok cùng một số nhà xuất bản mở các phiên phát trực tiếp, cung cấp thông tin bổ ích liên quan đến ngành sách và những câu chuyện sáng tạo nội dung được lấy cảm hứng từ sách của chính các nhà sáng tạo đang hoạt động trên nền tảng này. Đồng thời, trên các nền tảng xã hội, việc chia sẻ suy nghĩ, bình luận về sách đã trở thành một phần quan trọng của cộng đồng đọc, tạo hiệu ứng tích cực.
Các tác giả cũng thích nghi, sử dụng những phương tiện mới như trả lời phản hồi của độc giả để viết tiếp câu chuyện. Từ đây cho thấy, các nền tảng mạng xã hội đã và đang dần thay đổi cách thức độc giả tương tác với sách. Các bạn trẻ cởi mở hơn với những thể loại sách mới, đọc sách thường xuyên hơn, tạo cơ hội cho những đơn vị làm sách dám tiên phong để thay đổi, bắt kịp xu hướng, tạo đà phát triển.
Theo kết quả khảo sát công bố vào tháng 6/2023 của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới, Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9. Số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam năm 2023 cũng lên tới 70 triệu người, tương đương 71% dân số.
Mức độ phổ biến của mạng xã hội và những tín hiệu tích cực từ truyền thông xuất bản sách trên các nền tảng này cho thấy, đây là kênh truyền thông không thể bỏ qua với ngành xuất bản. Do đó, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông sách trên các nền tảng xã hội là rất cần thiết.
Để truyền thông sách phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn, không đơn thuần chỉ là chụp sách và đưa lên các nền tảng mà quan trọng nhất là tăng tương tác thông qua việc sáng tạo các nội dung hấp dẫn, gần gũi. Theo đó, cần dựa trên đặc điểm cũng như đối tượng độc giả riêng của mỗi nền tảng để cung cấp các nội dung giới thiệu, quảng bá sách phù hợp. Luôn cập nhật kịp thời xu hướng trên các nền tảng xã hội, "biến tấu" nội dung sách đa dạng, muôn màu để hấp dẫn độc giả.
Từ những nội dung chia sẻ về ý nghĩa, thông điệp của cuốn sách đến các nội dung về tác giả hay những câu chuyện hài hước, nhẹ nhàng đằng sau cuốn sách. Bên cạnh đó, có thể vừa đăng tải nội dung vừa đánh giá hiệu quả, đo lường phản ứng của độc giả để điều chỉnh nội dung, góp phần thúc đẩy lĩnh vực xuất bản hoạt động ngày càng tốt hơn.