Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Từ Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX đến Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII (Nghị quyết số 12, ngày 3/6/2017), đã xác lập những vấn đề cơ bản về nhận thức và thực tiễn đối với quá trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12, đã có những bước chuyển rõ nét về chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cần quyết liệt xử lý trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp, trong đó có việc nhấn mạnh vai trò của các tổ chức đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy xi-măng VICEM Bỉm Sơn, đơn vị thành viên của VICEM.
Nhà máy xi-măng VICEM Bỉm Sơn, đơn vị thành viên của VICEM.

Bài 1: Kết quả khả quan nhưng mục tiêu chưa đạt

Nghị quyết số 12 đặt mục tiêu cho từng giai đoạn đến năm 2030, trong đó, năm 2020, hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư kém hiệu quả; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN...

Ðánh giá kết quả giai đoạn 2016-2020 và từ 2021 đến nay cho thấy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm. Vẫn còn nhiều DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ. Công tác đổi mới, quản trị doanh nghiệp chưa theo kịp biến động của thị trường... Có nhiều yếu tố tác động dẫn đến sự chậm trễ này, trong đó yếu tố chủ quan do một số bộ, ngành, địa phương, DNNN chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện.

Nhiều vướng mắc chưa được xử lý

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được sắp xếp lại tinh gọn hơn, hoạt động có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước, vừa góp phần đắc lực điều tiết nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiều nhiệm vụ kinh tế, chính trị, quốc tế khác.

Giai đoạn 2016-2020, cả nước đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với quy mô vốn nhà nước được xác định lại tăng 23,3%.

Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt trên 220.000 tỷ đồng, gấp 2,8 lần giai đoạn 2011-2015; đã cổ phần hóa, thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng như Tập đoàn Cao-su Việt Nam, các tổng công ty: Ðiện lực dầu khí, Dầu Việt Nam, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Phát điện 3, Phát điện 2, Becamex Bình Dương, Sông Ðà...; nhiều thương vụ thoái vốn đạt hiệu quả cao như tại Vinamilk, Sabeco, Vinaconex, Idico...

Giai đoạn 2016-2020, cả nước đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với quy mô vốn nhà nước được xác định lại tăng 23,3%.

Tuy nhiên, cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020. Các doanh nghiệp chưa hoàn thành được gia hạn và tiếp tục triển khai trong năm 2021 đến nay, nhưng tiến độ cũng chưa đạt yêu cầu.

Một trong những lý do chủ yếu là một số doanh nghiệp quy mô lớn còn những vướng mắc về phương án sử dụng đất để tiến hành các bước tiếp theo của cổ phần hóa, như các tập đoàn: Than-Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Hóa chất; các tổng công ty: Mobifone, Lương thực Miền Bắc; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Phản ánh từ các bộ, ngành, địa phương, một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu, truyền thống, văn hóa, lịch sử, giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn vẫn là vấn đề khó khăn chưa được tháo gỡ.

Ở trong danh sách các DNNN lớn chậm tiến độ, Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (VICEM) là một trong hai đơn vị thuộc Bộ Xây dựng không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn. Có lý do là hơn một năm qua, doanh nghiệp này vẫn khuyết vị trí người đứng đầu do Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên được bổ nhiệm vị trí công tác khác, chưa được kiện toàn, còn nhiều vướng mắc cần được tích cực giải quyết.

Chánh Văn phòng Hà Quang Hiện cho biết, VICEM đã triển khai công tác cổ phần hóa từ năm 2014 và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ðảng bộ Tổng công ty. Theo đó, Ðảng ủy Tổng công ty đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác cổ phần hóa từng thời điểm; nghiêm túc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa chưa hoàn thành. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là việc phê duyệt lại phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất, nhất là tại 2 địa phương: Thành phố Hà Nội và tỉnh Nghệ An. Về việc này, VICEM đã và đang tiếp tục triển khai rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền. Công tác sáp nhập thương hiệu yếu vào thương hiệu mạnh, mới chỉ hoàn thành việc sáp nhập thương hiệu, còn việc chuyển giao quyền đại diện phần vốn của VICEM tại các đơn vị vẫn đang vướng mắc về cơ sở pháp lý. Công tác thoái vốn gặp nhiều khó khăn về trình tự, thủ tục trong quá trình thực hiện. Các bộ, ngành có nhiều ý kiến chưa chấp thuận phương án chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn của VICEM tại các công ty cổ phần: Cao-su Ðồng Phú-Kratie; Cao-su Ðồng Nai-Kratie về Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) do liên quan đối tượng chuyển giao và trách nhiệm kế thừa bảo lãnh vay vốn.

Tại Quảng Ninh, từ năm 2016, tỉnh sắp xếp doanh nghiệp theo quy định và đặc thù ngành nghề đối với 12 DNNN (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ). Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, bất cập, nhất là tại các công ty lâm nghiệp.

Tỉnh Quảng Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng phương án điều chỉnh tổng thể sắp xếp, đổi mới 8 công ty lâm nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định.

Tuy nhiên, 2 trong số 8 công ty lâm nghiệp là Ðông Triều và Vân Ðồn, do điều kiện thực tế của địa phương và những vấn đề liên quan định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là Khu kinh tế Vân Ðồn, cho nên trước mắt đề nghị giữ nguyên hiện trạng (giữ nguyên mô hình công ty TNHH một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo mô hình doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất, kinh doanh).

Ðể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn; một số ý kiến đề xuất nghiên cứu phương án tách giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình xác định giá trị DNNN và doanh nghiệp sẽ thuê lại nhà, đất của Nhà nước sau cổ phần hóa. Việc hoàn thiện thể chế, chính sách cần được đẩy mạnh theo hướng phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại DNNN.

Thiếu quyết liệt, phối hợp chưa hiệu quả

Ðẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN, trong nhiều văn bản chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương kiểm tra, đôn đốc, giám sát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN trực thuộc xây dựng, triển khai Ðề án cơ cấu lại DNNN; kịp thời chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung nguồn lực để hoàn thành. Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc không hoàn thành kế hoạch cơ cấu lại DNNN đã được duyệt.

Tuy nhiên, kết quả hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12 của Ðảng và các quyết định của Chính phủ, về tổng thể, kế hoạch đề ra chưa đạt yêu cầu. Ngoài áp lực từ ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, thì đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu đất đai tại nhiều địa phương nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện cơ cấu lại và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị cho nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Bên cạnh đó, tình hình biến động của thị trường hoặc do Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cho nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện cơ cấu lại và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị cho nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Một số doanh nghiệp cổ phần hóa quy mô lớn khi bán cổ phần lần đầu chỉ bán được số lượng nhỏ, như Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam chỉ bán được 21,2% số lượng cổ phần chào bán; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bán được 1,1%; Tổng công ty Sông Ðà bán được 0,37%; Tổng công ty Phát điện 3 bán được 3%...

Với một số DNNN, hiệu quả từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không hấp dẫn nhà đầu tư, chỉ một lượng cổ phần nhỏ bán cho cán bộ công nhân viên. Ðó cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng cơ cấu lại khó đạt yêu cầu, khi không thu hút được đầu tư, không có cổ đông chiến lược. Mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị, tăng sức mạnh tài chính tiếp cận thị trường và công nghệ mới vì thế mà kém hiệu quả. Ðiều này dẫn đến tình trạng "bình cũ, rượu mới". Nghĩa là loại hình doanh nghiệp thay đổi nhưng vẫn bộ máy cũ và đội ngũ tại chỗ, nếu không thật sự quyết liệt thay đổi tư duy, thì mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp có khả năng giậm chân tại chỗ.

Cũng theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai theo quy định; việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chậm, gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Còn hiện tượng sợ sai, không dám làm, viện dẫn khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện. Việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn chưa được thực hiện triệt để.

Với Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ðảng ủy Khối và cơ quan đại diện chủ sở hữu còn gặp khó khăn trong việc phối hợp đánh giá, xếp loại, bố trí và sử dụng cán bộ trong cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có mô hình tổ chức, quản lý cồng kềnh, chỉ đạo điều hành mất nhiều thời gian, giảm hiệu quả trong công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp. Trong thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn, tỷ lệ vốn nhà nước giảm dần dẫn đến cổ đông nhà nước nếu không đạt 65% số phiếu biểu quyết tán thành của các cổ đông thì sẽ không thể toàn quyền quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp như: chiến lược, kế hoạch phát triển hoặc kinh doanh hằng năm và công tác cán bộ cấp cao...

Ðịnh hướng cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025, tại Quyết định số 360/QÐ-TTg, ngày 17/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; phê duyệt Ðề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN; tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả để có kết quả thực chất, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.

Thực tế đó đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa của các cấp, ngành, yêu cầu khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, người đứng đầu trong các DNNN, đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết số 12 của Ðảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; tạo sự nhất trí cao, hành động quyết liệt, cụ thể, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước 10 năm 2021-2030 như Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra.

(Còn nữa)