Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Bài 3: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Thực tiễn 35 năm đổi mới, chứng minh doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cơ cấu lại DNNN trong điều kiện phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư buộc các doanh nghiệp phải tiếp cận, thích ứng các xu thế, giải pháp mới.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. (Ảnh HẢI THANH)
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. (Ảnh HẢI THANH)

Để bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện trong DNNN, các tổ chức đảng cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo đối với việc xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề; cách thức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người lao động thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp xứng tầm, nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong DNNN…

Chọn việc ưu tiên, giải pháp thiết thực

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong DNNN là bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động của tổ chức đảng đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp. Trước hết là đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm thiết thực, phù hợp từng doanh nghiệp.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng nhằm thực hiện tốt vai trò cầu nối, giúp các cơ quan lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến gần hơn với cán bộ, đảng viên, người lao động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động đồng thời kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đặt ra trong quá trình phát triển. Ở đó có trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN.

Chia sẻ kinh nghiệm quản trị điều hành, nhất là quản trị biến động để tận dụng cơ hội vươn lên ngoạn mục, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, sau giai đoạn khủng hoảng và khó khăn vừa qua, cần có giải pháp xem xét, đánh giá lại về năng lực của DNNN để tiếp tục củng cố vai trò, vị trí của DNNN.

Trải qua những thăng trầm, Đảng bộ PVN có thêm những bài học sâu sắc để phát triển vững vàng hơn. Năm 2022, Đảng bộ triển khai đồng bộ 7 nhóm giải pháp về xây dựng Đảng, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu dự báo, đánh giá sự biến động của kinh tế chính trị thế giới và đặc biệt tác động cân đối về khủng hoảng năng lượng. Một số nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ đã trở thành điểm tựa cho Hội đồng thành viên và Ban điều hành triển khai tháo gỡ những dự án khó khăn, có vấn đề về pháp lý, như Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng 1,… Với 5 nhóm giải pháp cụ thể về: Quản trị, tài chính, đầu tư, phát triển thị trường và thúc đẩy hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, có sự thống nhất quyết tâm và hành động, tất cả các chỉ tiêu từ khai thác dầu thô, khí, sản xuất điện, đạm, xăng dầu đều có tăng trưởng cao so năm trước.

Doanh thu ước đạt khoảng 925 nghìn tỷ, cao nhất trong 61 năm qua. Nộp ngân sách dự kiến đạt 170 nghìn tỷ, chiếm gần 10% tổng thu ngân sách. Năm nay cũng ghi nhận dấu ấn thành công trong hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển của PVN, với 3 giải thưởng Hồ Chí Minh, và 3 giải thưởng Nhà nước cùng nhiều sáng kiến ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động.

Là Đảng bộ không toàn tập đoàn, Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam gồm Đảng bộ công ty mẹ và một số đảng bộ đơn vị thành viên, với khoảng 1.100 đảng viên. Hơn 12 nghìn đảng viên làm việc tại các công ty thành viên đang sinh hoạt đảng tại địa phương. Một số đảng viên hoạt động ở ngoài nước. Tập đoàn quản lý địa bàn tại 31 tỉnh và 2 nước bạn Lào, Campuchia.

Với đặc thù như vậy, theo đồng chí Phạm Công Kha, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn, công tác xây dựng Đảng và công tác chính trị của Tập đoàn cũng mang tính đa dạng cao, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng. Với truyền thống cách mạng của cao-su Việt Nam, Đảng ủy luôn giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức đúng tầm mức của công tác xây dựng Đảng để xây dựng Tập đoàn vững mạnh toàn diện.

Tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp, Đảng ủy xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân đồng thời với phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Hầu hết các đồng chí tham gia cấp ủy, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội đều đảm nhiệm chức danh chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện mối quan hệ công tác giữa cấp ủy và lãnh đạo đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội thuận lợi, tạo sự đồng thuận trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

Thận trọng nhưng không chậm trễ

Động lực phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn từ nay đến 2030 được Đại hội XIII của Đảng xác định bằng các đột phá về thể chế chính sách, về hạ tầng và nguồn lực chất lượng cao. Nhưng phản ánh của nhiều DNNN cho thấy nhiều chủ trương của Đảng chưa được thể chế hóa, nhiều giải pháp đề ra trong Nghị quyết của Đảng chưa được thực hiện.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn, tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp là chất xám của người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý. Đối với DNNN hiện nay đang gặp hai vấn đề vướng mắc, trước hết là thể chế tạo ra đột phá trong tuyển dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tầm quốc tế, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động quốc tế.

Đồng chí Sơn đưa ra thí dụ về khó khăn trong doanh nghiệp mình khi tuyển dụng nhân sự cho vị trí Tổng giám đốc một đơn vị thành viên với mức lương cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu chi trả mức lương đó thì lại không đúng quy định của pháp luật, vì đơn vị đó có tỷ lệ vốn nhà nước là 65%, phải trả theo quy định thang bảng lương hiện hành. Bên cạnh đó, triển khai chương trình phát triển nhân tài, nhiều người trẻ được phát hiện qua các quy trình nghiệp vụ, có triển vọng, được bồi dưỡng, đào tạo, tuy nhiên vẫn khó "cạnh tranh" với người đã được quy hoạch, có thâm niên, cũng là một bất cập chưa được giải quyết.

Cùng quan điểm cần giải pháp quyết liệt hơn trong thể chế hóa các chủ trương của Đảng đối với hoạt động của DNNN trong cơ chế thị trường, đồng chí Lê Mạnh Hùng nêu những bất cập, cụ thể như nhiều điều khoản trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, đến nay vẫn chưa được triển khai và cụ thể hóa thành văn bản pháp luật ngoài Luật Dầu khí. Hay như sự biến động của môi trường kinh doanh chưa được phản ảnh vào trong thể chế trong khi xu hướng dịch chuyển về năng lượng của thế giới đang rất lớn.

Kiến nghị một số điểm, đồng chí cho rằng, cần sớm sơ kết thực hiện Nghị quyết số 41, điều chỉnh việc cho phép Tập đoàn kết hợp triển khai khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi, gắn với các lô dầu khí và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Về mô hình tổ chức đảng cũng cần dịch chuyển theo mô hình doanh nghiệp vì có đơn vị có yếu tố nước ngoài, có đơn vị chỉ còn dưới 50 % vốn sở hữu nhà nước…

Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng chí Phạm Quang Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, kiến nghị Trung ương về việc sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho ngân hàng cũng như các DNNN thật sự có vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế. Trong đó, tăng quy mô vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Hiện nay, quy mô vốn còn hạn chế so với thị trường quốc tế cũng như so nhu cầu hoạt động.

Hơn nữa, cần sự vào cuộc tổng thể của toàn hệ thống chính trị giải quyết khó khăn trong vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô, để các DNNN hoạt động hiệu quả, đóng góp chung cho sự phát triển nền kinh tế đất nước. Đồng thời, sớm cụ thể hóa cơ chế bảo vệ cán bộ theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" tạo động lực cho các DNNN phát triển.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu 6 vấn đề lớn, cần các cơ quan có trách nhiệm phối hợp đề xuất kiến nghị, tháo gỡ cho DNNN phát triển. Trong đó, có vấn đề như nghị quyết của Đảng đã nêu rõ việc áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả lao động đối với từng vị trí việc làm, làm cơ sở trả lương, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và đề bạt cán bộ; thực hiện việc tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức. Tuy nhiên 5 năm thực hiện Nghị quyết, các chức danh quản lý trong DNNN vẫn ràng buộc như công chức là nguyên nhân khó tuyển dụng được người thực tài.

Bên cạnh đó, rất nhiều vướng mắc về sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp, thí dụ chủ trương cho DNNN thực hiện đầu tư phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng các DNNN trích lập quỹ xong không tiêu được do chưa có cơ chế tài chính cụ thể. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho biết, tổng số doanh nghiệp cả tư nhân và Nhà nước chỉ có 0,1% số doanh nghiệp trích lập quỹ khoa học, công nghệ theo quy định, và 80 % quỹ đó lập ra không sử dụng được, là điều rất vô lý…

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban và các cơ quan quản lý nhà nước đã dần định hình mối quan hệ phối hợp hiệu quả. Theo đó, chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp; phối hợp Bộ Giao thông vận tải xử lý các vướng mắc đối với hoạt động quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông của một số doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban (cảng hàng không, đường sắt, đường cao tốc); với Bộ Tài chính hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; làm rõ về lĩnh vực đầu tư, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Ủy ban cùng Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế, chính sách quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ doanh nghiệp, kiểm soát viên nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý người giữ chức danh, chức vụ và đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực và nguồn lực của Ủy ban trước tính chất, đặc điểm, yêu cầu khá cao và phức tạp về chuyên ngành của 16 ngành kinh tế - kỹ thuật đối với 19 tập đoàn, tổng công ty vẫn là hạn chế…

Mới đây, tại buổi làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, các cấp ủy cần nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của DNNN trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa bảo đảm nguyên tắc chung, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Việc gì vướng mắc phải tổng hợp báo cáo ngay, việc gì đã chín, đã rõ thì thực hiện, việc gì đang cần nhưng còn ý kiến khác nhau thì tổ chức thí điểm; việc gì đã ban hành nhưng không hợp lý thì sửa ngay… Với phương châm không nóng vội nhưng không được bỏ qua, không được làm chậm, ảnh hưởng phát triển. Đảng bộ Khối chủ trì, cùng với Ban Kinh tế Trung ương sớm báo cáo Thường trực Ban Bí thư về những nội dung có thể xử lý ngay, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tại Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trung ương tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể. Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Nhiệm vụ đó đòi hỏi hiệu quả cơ cấu lại DNNN phải được thể hiện trong từng nội dung cụ thể, khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, khẳng định vị thế trụ cột của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29, 30/12/2022.