Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (Tiếp theo) (*)

Bài 2: Tổ chức đảng thể hiện vai trò nhân tố quyết định

Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo chủ trương của Đảng; Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý DNNN; các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn trong cổ phần hóa, thoái vốn; hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp trong quá trình cơ cấu lại.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam. (Ảnh: vnrubbergroup.com)
Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam. (Ảnh: vnrubbergroup.com)

Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất chính là nguồn lực nội tại của mỗi doanh nghiệp. Trong đó, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng là yếu tố góp phần chủ yếu quyết định hiệu quả quá trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

Khẳng định sự lãnh đạo toàn diện

Theo các quy định đã ban hành của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối; về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong DNNN… về cơ bản đã xác lập rõ hơn vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng trong DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối. Theo đó, tổ chức đảng có nhiệm vụ xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển dài hạn, trung hạn, kế hoạch hằng năm của doanh nghiệp; lãnh đạo sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; phát triển nguồn nhân lực; thực hiện các nhiệm vụ đối với Nhà nước; bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, cổ đông và người lao động… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp này thật sự phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tương xứng vị trí và nguồn lực được Nhà nước đầu tư.

Việc cổ phần hóa DNNN có quy mô lớn và phức tạp như ở Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam cần giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề khó. Với nhận thức đây là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy Tập đoàn chỉ đạo và huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đối với các nội dung khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, giải trình với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý, tháo gỡ theo quy định. Quá trình cổ phần hóa của Tập đoàn với quy mô vốn, tài sản lớn; việc xử lý đất đai liên quan 18 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích khoảng 244.312ha; số lao động cần sắp xếp khi cổ phần hóa là hơn 43.600 người, nhưng tới nay không để xảy ra khiếu kiện, và chưa phát hiện sai sót hay thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Theo Đảng ủy Tập đoàn, các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ, cấp ủy cấp trên về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN luôn được quán triệt nghiêm túc tới các cấp ủy. Các nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội và Chương trình công tác toàn khóa và hằng năm, trong các nghị quyết chuyên đề của cấp ủy…

Sắp xếp lại tổ chức đảng phù hợp mô hình doanh nghiệp cổ phần, Đảng bộ Tập đoàn luôn củng cố, giữ vững vai trò nòng cốt, phát triển mối quan hệ phối hợp trong nội bộ cũng như với địa phương. Việc thống nhất chủ trương, phương pháp lãnh đạo và điều hành giữa cấp ủy, Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc là nhân tố quyết định mọi kết quả hoạt động trong hệ thống, góp phần tập hợp, thống nhất ý chí và hành động từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Vai trò của cấp ủy luôn thể hiện trong suốt quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp, cùng tổ chức công đoàn và các đoàn thể làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, phổ biến đến người lao động các quy định chế độ chính sách và tiến độ thực hiện. Chính sách đối với lao động dôi dư được thực hiện dựa trên cơ sở rà soát thực trạng, trao đổi cụ thể với người lao động cho nên không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Thông qua cán bộ, đảng viên nắm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn chủ động tham gia với Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển, kế hoạch kinh doanh của công ty.

Tại Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (VICEM), sau khi Đề án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Đảng bộ Tổng công ty đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu toàn diện VICEM: sắp xếp, đổi mới các đơn vị thành viên; cơ cấu lại từ thị trường, sản phẩm đến cơ cấu kỹ thuật, công nghệ và bảo vệ môi trường; tái cơ cấu đầu tư xây dựng, tài chính và cơ cấu lại quản trị doanh nghiệp… Một trong những nỗ lực được ghi nhận là Đảng bộ Tổng công ty đã lãnh đạo doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn vừa qua, khi xi-măng luôn trong tình trạng "cung" vượt xa "cầu" (vượt khoảng 30%); giá cả nguyên vật liệu như: Xăng, dầu, than... tiếp tục tăng, nguồn cung khan hiếm, dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực sản xuất, kinh doanh.

Theo Chánh Văn phòng Tổng công ty Hà Quang Hiện, thách thức đặt ra đề bài khó, vừa hoàn thành tốt kế hoạch năm và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, có việc tiếp nhận và cơ cấu lại một số nhà máy xi-măng thuộc các tổng công ty khác về VICEM theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Hiện tại, VICEM đang rà soát để xây dựng quy trình giám sát tài chính đặc thù đối với các công ty xi-măng: Sông Thao, Tam Điệp, Hạ Long, nhằm khắc phục khó khăn, cải thiện tình hình vay nợ và cơ cấu lại các nguồn vốn huy động, bảo đảm giảm rủi ro. Thực hiện nội dung Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2019-2025, Tổng công ty đã triển khai các biện pháp bảo đảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản ≥ 40%, hỗ trợ các đơn vị thành viên vay vốn, thực hiện trả cổ tức tăng vốn điều lệ,... Về cơ bản các đơn vị thành viên đã trả hết nợ dài hạn (trừ Vicem Hạ Long) cho nên tình hình tài chính, khả năng thanh toán của các đơn vị sẽ dần ổn định.

Theo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, 9 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 6 ngân hàng và 1 tổ chức tài chính nhà nước thuộc Khối có tổng số 930 doanh nghiệp trực thuộc. Nhiệm vụ chỉ đạo cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối luôn là nội dung quan trọng trong chương trình công tác của cấp ủy, đồng thời là căn cứ xem xét, kiểm điểm, đánh giá chất lượng tổ chức đảng. Đảng ủy Khối tăng cường kiểm tra, giám sát đối với ban thường vụ và đồng chí bí thư, phó bí thư các đảng ủy trực thuộc nhằm thúc đẩy nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp. Việc chia tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, thành lập mới, chuyển giao, tiếp nhận tổ chức đảng phù hợp mô hình của doanh nghiệp sau cơ cấu lại bảo đảm quy định, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016-2020, toàn Khối có 21 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thực hiện cổ phần hóa 61 doanh nghiệp. Năm 2021, có 18/61 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa (đạt 29,5% kế hoạch). Đến hết năm 2020, toàn Khối đã thực hiện thoái vốn tại 165/530 doanh nghiệp (đạt 31,1% kế hoạch được phê duyệt). Các doanh nghiệp có dự án kém hiệu quả đã chủ động phân tích, đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án khắc phục, đồng thời, tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc, đến nay đã có 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Mục tiêu cơ cấu lại DNNN không chỉ là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, mà còn tập trung đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên nền tảng công nghệ cao. Đáp ứng yêu cầu gắt gao của thị trường, song song ứng dụng công nghệ hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong DNNN luôn là nhân tố hàng đầu cần được quan tâm trong quá trình tái cơ cấu.

Với phương châm "chuyên biệt-khác biệt-hiệu quả", Đảng bộ Viễn thông Bắc Ninh đã lãnh đạo công tác bố trí, sắp xếp lại nhân lực, nguồn lực hợp lý. Theo đó, đã hình thành hai khối: Kỹ thuật và kinh doanh. Sự chuyên biệt hóa tạo động lực để cả hai khối hoạt động có chiều sâu và hiệu quả. Theo Phó Giám đốc VNPT Bắc Ninh Đỗ Mạnh Hùng, từ lãnh đạo đến người lao động đã hình thành tư duy đổi mới. Đảng bộ Viễn thông Bắc Ninh đã xây dựng quy chế đánh giá người đứng đầu và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ, có chế tài xử lý nghiêm minh. Cách điều hành theo hướng người lao động được hưởng thu nhập theo hiệu suất lao động, doanh thu và các tiêu chí cụ thể. Họ có thể tự tính được thu nhập của mình qua khối lượng và chất lượng công việc được giao, từ đó hình thành tư duy chủ động giải quyết khó khăn, đồng hành, phối hợp tốt với địa bàn.

Phó Bí thư Đảng ủy Viễn thông Bắc Ninh Bùi Thế Bắc cho biết, sau cơ cấu lại doanh nghiệp, Đảng bộ Viễn thông Bắc Ninh luôn bảo đảm thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của doanh nghiệp. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy là yếu tố quyết định, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống. Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, mối quan hệ cấp ủy - Ban Giám đốc được thực hiện nghiêm túc, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể. Để điều hành có hiệu quả hai khối kỹ thuật và kinh doanh, ngay từ khi xây dựng đề án nhân sự cấp ủy, Đảng bộ Viễn thông Bắc Ninh đã chủ trương bố trí hợp lý công tác nhân sự cấp ủy gắn trách nhiệm người đứng đầu, nhằm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy với lãnh đạo đơn vị trong sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị, tiếp cận mô hình quản trị tốt theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp có trình độ cao và năng lực đổi mới sáng tạo. Một số đơn vị thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ghi nhận sự chuyển đổi mạnh mẽ, như Đảng bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Việc kiện toàn mô hình tổ chức đảng được thực hiện đồng bộ với quá trình chuyển đổi tổ chức, bộ máy, cơ cấu quản trị theo hướng hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đảng ủy Ngân hàng lãnh đạo sắp xếp, đổi mới cơ cấu tổ chức và phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược kinh doanh; tập trung dịch chuyển từ "quản trị nhân sự truyền thống" sang "quản trị nhân sự chiến lược"; chủ động kế hoạch hóa nguồn lực, đẩy mạnh tinh giản nhân sự và dịch chuyển cơ cấu nhân sự hợp lý, hiệu quả cho bộ phận kinh doanh và nghiệp vụ lõi. Một trong ba đột phá chiến lược của Ngân hàng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng năng lực thích ứng ngân hàng số.

Theo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, cấp ủy các ngân hàng trong Khối đã chỉ đạo hoàn thành tốt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2015-2020, xử lý, khắc phục đưa nợ xấu về mức thấp hơn mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tăng trưởng mạnh về tổng tài sản, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng; từng bước tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động. Các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV đã triển khai áp dụng chuẩn Basel II; tham gia tích cực và hỗ trợ hiệu quả việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém trong nước, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng theo chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Nhiệm vụ từ nay đến năm 2025, Chính phủ giao các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành những việc còn tồn đọng của giai đoạn trước. Trong đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, đổi mới phát triển khoa học-công nghệ, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống chỉ số để theo dõi, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiệm vụ này đòi hỏi các cấp ủy trong DNNN cần có chiến lược toàn diện thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, chủ động hội nhập, kết nối với chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.

(Còn nữa)

----------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29/12/2022.