Tăng cường quản lý dinh dưỡng đất và cây trồng

Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà chung của các hệ sinh thái. Sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng là yếu tố nền tảng, quyết định đến năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần giữ vững an ninh lương thực và hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, tuần hoàn.
Công nhân đang thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh tại nông trường VinEco Tam Đảo. (Ảnh THANH GIANG)
Công nhân đang thu hoạch rau trồng theo phương pháp thủy canh tại nông trường VinEco Tam Đảo. (Ảnh THANH GIANG)

Những năm gần đây, sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng được Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Thiếu nghiên cứu về dinh dưỡng cho cây

Kết quả điều tra, đánh giá đất trên phạm vi toàn quốc về thoái hóa đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021 cho thấy, cả nước có gần 12 triệu héc-ta đất bị thoái hóa, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp có hơn 5 triệu héc-ta.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tình trạng đất suy thoái diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề tại ba khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Cụ thể, đối với đất sản xuất nông nghiệp trên các vùng đồi núi, đất dốc thuộc các tỉnh miền núi phía bắc, hàm lượng hữu cơ trong đất canh tác nhiều vùng đã giảm xuống dưới 1,0%; hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân dễ tiêu và kali dễ tiêu trong đất đều ở mức nghèo kiệt.

Đối với đất vùng Tây Nguyên - nơi trồng các loại cây công nghiệp có giá trị như cà-phê và hồ tiêu, chất lượng đất cũng đã thay đổi theo chiều hướng bất lợi, hàm lượng các-bon hữu cơ trong đất trung bình chỉ còn 1,2-2,5%, thấp hơn rất nhiều so với đất rừng tự nhiên 5,14%; hay pH đất trồng cà-phê và hồ tiêu ở khu vực này hiện dao động từ 3,1-4,6; trong khi đó ở đất rừng tự nhiên con số này là 5,6…

Nguyên nhân suy thoái đất chủ yếu là do tác động của các yếu tố chủ quan về tập quán canh tác như trồng nhiều vụ trong năm, bón quá nhiều phân vô cơ, ít sử dụng phân hữu cơ khiến cho đất bị bạc màu, mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt nguyên tố trung, vi lượng và chất hữu cơ.

Việc lạm dụng các loại phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật trong suốt thời gian dài dẫn đến hiện tượng tích tụ các nguyên tố hóa học, kim loại nặng, làm phá vỡ hết cấu trúc đất, khiến đất bị trơ cứng và không còn canh tác được nữa.

Cũng giống như sức khỏe đất, việc quản lý dinh dưỡng cây trồng ở nước ta hiện nay cũng đang phải đối mặt nhiều vấn đề. Quản lý dinh dưỡng cây trồng thực chất là quản lý tất cả các nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng từ đất, phân bón (vô cơ, hữu cơ, sinh học), phế phụ phẩm cây trồng... nhằm giảm thiểu sự thất thoát và hướng tới duy trì, cải thiện độ phì nhiêu đất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và cải thiện năng suất cây trồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc quản lý dinh dưỡng cây trồng ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, còn thiếu kết quả nghiên cứu mang tính hệ thống để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Chưa có nghiên cứu bài bản, hệ thống và đồng bộ về quản lý dinh dưỡng cây trồng cũng như nâng cao sức khỏe đất trồng trọt hiệu quả. Chưa có hành lang pháp lý cho việc thực thi công tác nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng…

Trong những năm qua, các nhà khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu này mới mang tính cục bộ ở các địa phương và chủ yếu liên quan đến đất và phân bón chứ chưa đề cập đến sức khỏe đất trồng trọt một cách đầy đủ. Các dữ liệu về đất và dinh dưỡng cây trồng còn manh mún, nhỏ lẻ, dữ liệu phân tán, không có kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung.

Hiện nay, còn thiếu bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng đất phục vụ sản xuất trồng trọt. Các chỉ tiêu đã dùng trong nghiên cứu từ trước đến nay chưa thể hiện được đầy đủ các khía cạnh về sức khỏe và chất lượng đất như thế giới đã và đang làm.

Tăng nguồn dinh dưỡng cho đất và cây trồng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, trước thực trạng sức khỏe đất đang ngày càng suy giảm và có nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt "Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Mục tiêu của đề án nhằm ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt (bao gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm), góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể đến năm 2030, hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính (bao gồm các chỉ tiêu về lý, hóa và sinh học đất) và sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực; xây dựng được bộ chỉ tiêu và thang phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất trồng trọt; xây dựng, hoàn thiện được quy trình canh tác hợp lý gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát chất dinh dưỡng trên các loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và sự quan tâm của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng từ trung ương đến địa phương.

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, để có thể nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng một cách hiệu quả, trước tiên phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng, trong đó, chú trọng xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực; Thống nhất hệ thống phân loại đất với bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng đất trong toàn quốc đồng thời, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính và sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Tuất, ngành nông nghiệp cần lồng ghép giữa quy trình canh tác với việc sử dụng phân bón, quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng một cách khoa học.

Từ đó, triển khai đồng bộ, tạo thành một hệ thống, tránh lãng phí nguồn lực. Sớm rà soát và xây dựng lộ trình riêng hỗ trợ phục hồi cho các nhóm cây chịu ảnh hưởng bởi đất cằn và xấu nhất. Nên tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia khác, thí dụ như chương trình "Cây trồng thông minh" ở Indonesia.

Chương trình này cung cấp phần mềm hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật canh tác thông minh, biết cách quản lý nước hiệu quả và sử dụng giống cây trồng chịu hạn. Phần mềm này còn số hóa thông tin thời tiết cũng như phân tích các chất dinh dưỡng cần thiết cho từng loại cây trồng, từ đó đưa ra các khuyến cáo canh tác thiết thực cho người dân.

Để đề án sớm đi vào cuộc sống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ sớm rà soát, ban hành hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động trồng trọt gắn với mục tiêu bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý sử dụng dinh dưỡng cây trồng hiệu quả đã được quy định tại Luật Trồng trọt.

Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách trong trồng trọt nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng (khuyến khích việc bảo vệ, khai thác sinh vật có ích, phân bón sinh học, phân bón mới có hiệu quả sử dụng cao, áp dụng các mô hình canh tác góp phần duy trì, nâng cao độ phì nhiêu đất và giảm phát thải khí nhà kính).

Lựa chọn triển khai các đề tài nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên các đề tài thuộc lĩnh vực sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ cho hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, phát triển và hướng đến đồng bộ hóa các công cụ phục vụ chuyển đổi số các cơ sở dữ liệu về dinh dưỡng đất, sử dụng đất trồng trọt, phân bón thống nhất từ trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, hỗ trợ công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhu cầu tra cứu thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân.

Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao để chuyển giao công nghệ về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và quản lý dinh dưỡng (chẩn đoán thiếu hụt dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng phân bón và cải tạo đất…) cho cây trồng của nông hộ.