Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Slovakia

CH Slovakia nằm ở khu vực Trung-Ðông Âu, dân số khoảng 5,4 triệu người, diện tích hơn 49 nghìn km2, trong đó 80% lãnh thổ là đồi núi, tập trung ở miền bắc và miền trung. Nhờ chính sách cải cách kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, Slovakia có mức tăng trưởng GDP cao trong các nước thành viên mới của Liên hiệp châu Âu (EU). Từ năm 2003 đến nay, tăng trưởng GDP của Slovakia đạt mức trung bình hơn 5%, riêng năm 2007 là 8%.

Năm 2004, Slovakia được EU công nhận là nền kinh tế thị trường và chính thức gia nhập  EU ngày 1-5-2004.  Slovakia  còn là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhiều tổ chức quốc tế khác. Ngành kinh tế mũi nhọn của Slovakia là lắp ráp ô-tô, chế tạo máy, thiết bị điện và luyện kim. Ðầu tư nước ngoài tại Slovakia đạt 17,3 tỷ USD, riêng năm 2007 có 40 dự án đầu tư nước ngoài trị giá hơn ba tỷ USD, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp ô-tô. Slovakia phấn đấu từ năm 2009 sẽ sản xuất khoảng một triệu chiếc ô-tô/năm. Trong chiến lược đối ngoại trung hạn đến năm 2015, Slovakia chủ trương kết hợp lợi ích quốc gia và quốc tế, với mục tiêu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ công dân, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội,  văn  hóa  và  môi  trường  bền vững.

Việc cùng Séc, Ba Lan và Hungary tham gia Nhóm Visegrad (Nhóm V4) đã giúp Slovakia nâng cao vị thế và vai trò trong khu vực và quốc tế, nhất là tại châu Âu. Slovakia gia nhập khối Sen-ghen tháng 12-2007, phê chuẩn Hiệp ước Lisbon về cải cách châu Âu tháng 4-2008 và sẽ tham gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro) tháng 1-2009. Là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khóa 2006-2007, Slovakia luôn đề cao vai trò của LHQ, ủng hộ cải cách LHQ nhằm đưa tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn. Slovakia coi trọng việc tăng cường quan hệ với châu Á, trong đó có các nước ASEAN.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, kế thừa các mối quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (cũ), quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Slovakia đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như dệt may, thực phẩm, hóa chất, hải sản... Hai nước nhất trí lấy ngày 2-2-1950 là Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Mối quan hệ tốt đẹp này được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên: chuyến thăm Slovakia của Chủ tịch QH Nông Ðức Mạnh năm 1995, Phó Thủ tướng Trần Ðức Lương năm 1994, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa năm 2005 và chuyến thăm nước ta của Tổng thống Slovakia Ivan Gasparovic năm 2006, Thủ tướng I.Mô-ráp-chích năm 1994, Bộ trưởng Ngoại giao Ê.Cu-can năm 2001.

Hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Slovakia đang phát triển tích cực. Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Slovakia thành lập năm 1997 và kết thúc hoạt động sau khi Slovakia gia nhập EU. Năm 2006, hai nước đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế song phương. Slovakia mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với nước ta trên các lĩnh vực năng lượng, chế tạo máy, nông nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp quốc phòng...

Năm 2007, nước ta mở lại thị trường xuất khẩu lao động sang Slovakia. Hiện có khoảng 1.000 công nhân Việt Nam và 5.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Slovakia. Hai nước đã ký kết các hiệp định song phương quan trọng như Hiệp định về hợp tác kinh tế, Hiệp định về hợp tác văn hóa, Hiệp định hàng không, Hiệp định hợp tác y tế...

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhằm củng cố và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là về kinh tế và thương mại; trao đổi phương hướng và tìm biện pháp cụ thể tăng hiệu quả hợp tác song phương trong bối cảnh hai nước đều là thành viên WTO và Việt Nam hiện là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Chúc chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Robert Fico thành công tốt đẹp, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.     

                   NHÂN DÂN