Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 17/5, căn nhà bốn tầng ở một con ngõ nhỏ thuộc phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trong nhà có một cụ già, một cặp vợ chồng và hai bé trai. Vụ cháy không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy vẫn đang được điều tra. Trước đó, khoảng 13 giờ 5 phút ngày 6/5, đám cháy bất ngờ bùng phát ở bãi trông giữ phương tiện tại địa chỉ số 35, 37 phố Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy).
Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chữa cháy phường Dịch Vọng Hậu cùng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an quận Cầu Giấy đã điều động phương tiện và cán bộ, chiến sĩ đến chữa cháy. Khoảng 20 phút sau, đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn; có năm ô-tô và một số xe máy bị hư hại.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Theo thống kê của cơ quan chức năng, 5 năm trở lại đây, toàn quốc xảy ra hơn 17 nghìn vụ cháy, thiệt hại tài sản ước tính hơn 7.000 tỷ đồng. Số vụ cháy trong khu dân cư chiếm khoảng 40% tổng số vụ cháy. Phần lớn trong số này là các vụ cháy xảy ra ở các khu vực là nhà ở của hộ gia đình kết hợp với sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở phân tích các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường hợp hỏa hoạn trong khu dân cư thường có đặc điểm chung là xảy ra đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh. Vị trí cháy thường là dạng nhà ống, tích trữ nhiều hàng hóa và chỉ có một lối thoát nạn. Ngoài ra, đặc thù các vụ cháy nhà dân thường xảy ra vào ban đêm, rất khó phát hiện hoặc phát hiện muộn; người dân đang ngủ sẽ hít phải khói độc dẫn tới lịm dần, những vụ hỏa hoạn dạng này thường gây thương vong rất lớn.
Đồng thời, do các khu dân cư có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy không vào được, mật độ dân cư đông đúc, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Mặt khác, việc các nhà ở liền kề, kết hợp sinh hoạt và kinh doanh, có nhiều vật liệu gây cháy cũng khiến cho việc xử lý khi xảy ra cháy nổ gặp khó khăn. Cùng với đó, hệ thống dây điện chằng chịt, các nhà xây mái che cũng khiến xe chữa cháy khó tiếp cận các đám cháy.
Ngoài những lý do nêu trên, thì khó khăn lớn nhất khi chữa cháy tại khu dân cư chính là hạ tầng giao thông và nguồn nước chữa cháy. Hiện tại Hà Nội có hơn 1.200 tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Trước thực trạng đáng lo ngại nêu trên, được biết các cơ quan chức năng, trong đó, lực lượng nòng cốt là Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã phối hợp với các cấp chính quyền để có những biện pháp tuyên truyền sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu về các thông tin, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy để người dân ý thức được sự nguy hiểm của cháy nổ mà tự giác thực hiện. Cùng với việc triển khai các biện pháp, nhiều mô hình toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư đã phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Huy, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) cho biết, đã có hàng chục hộ gia đình tham gia “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”. Mỗi hộ đều được trang bị bình chữa cháy xách tay, chuông báo cháy và một số dụng cụ tháo dỡ, cứu nạn. Trường hợp xảy ra hỏa hoạn, hệ thống báo cháy sẽ cảnh báo đến toàn bộ các hộ dân trong tổ, để kịp thời cùng ứng cứu, tránh thiệt hại về người và tài sản. Không chỉ huyện Thường Tín, đến nay mô hình toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố.
Ngoài triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng”… tại nhiều địa bàn phường, quận đã tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các hộ gia đình để chủ động phòng ngừa, không để phát sinh cháy, nổ ngay từ ban đầu.
Ông Vũ Chung, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) chia sẻ, ngoài duy trì đội Phòng cháy, chữa cháy cơ sở, sử dụng xe máy trang bị các thiết bị cơ bản di chuyển trong các ngõ ngách mà xe chữa cháy không vào được, chạy đua với thời gian xử lý sự cố nhanh nhất, thì việc thành lập các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” là cách làm sáng tạo, giúp nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).
Cùng với các giải pháp nêu trên, để thực hiện tốt Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy, nổ có thể xảy ra trên địa bàn, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, từ thành phố đến cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang bị kiến thức, kỹ năng để cán bộ, đảng viên và nhân dân làm tốt việc phòng ngừa cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tích cực chỉ đạo chính quyền cơ sở triển khai, nhân rộng các mô hình phòng cháy, chữa cháy, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng, kỹ thuật bảo đảm đúng quy chuẩn quy trình an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng an toàn về cháy nổ. Mỗi người dân cần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính bản thân, gia đình và cộng đồng.