Cùng dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới-phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại Lễ ký, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những hoạt động phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí khẳng định, sự phối hợp giữa hai cơ quan đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua đó cũng góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã đi vào cuộc sống.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng vững mạnh, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, thông qua Chương trình phối hợp này, kỳ vọng hai cơ quan sẽ có nhiều kế hoạch hoạt động thiết thực, hiệu quả, cụ thể hơn nhằm thực hiện tốt công tác truyền thông; phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện chương trình hành động của Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ: Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và xã hội, đưa kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, rộng khắp trong các lĩnh vực, các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị.
Tuy nhiên, các hoạt động phối hợp vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục; nội dung phối hợp còn ít, chỉ tập trung vào công tác tuyên truyền là chủ yếu, chưa tổ chức được các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ tuyên giáo các cấp về kinh tế tập thể, hợp tác xã, chưa có những hội nghị báo cáo viên chuyên đề về kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Còn theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, đến nay, nhận thức của các tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị về lợi ích, vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế-xã hội bền vững được nâng lên, nhưng còn tồn tại tâm lý e ngại tham gia hợp tác xã do những ấn tượng về mô hình hợp tác xã kiểu cũ trước đây và một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về bản chất, nguyên tắc giá trị cốt lõi của hợp tác xã.
Đồng chí cho biết, xác định rõ những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong đó, nhận thức là yếu tố quan trọng, then chốt, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cũng như phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội trong triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị,…
Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào nhiều nội dung chính; trong đó chú trọng phối hợp trong công tác định hướng tư tưởng, chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, kích động về kinh tế tập thể, hợp tác xã, cản trở việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham mưu, đề xuất việc sơ kết, tổng kết và xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phối hợp tổ chức khảo sát thực tiễn trong và ngoài nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…