Tăng cường nguồn cung vật liệu san lấp

Nhiều dự án giao thông, cụm công nghiệp, đô thị lớn tại tỉnh Thái Nguyên đang được đồng loạt triển khai, kéo theo nhu cầu vật liệu san lấp rất lớn. Trong khi đó, số mỏ đất trên địa bàn được cấp phép khai thác chưa nhiều, sản lượng chưa đáp ứng, dẫn đến thiếu vật liệu san lấp, giá tăng, nguy cơ làm ảnh hưởng tiến độ xây dựng công trình và gây thiệt hại cho nhà thầu.
0:00 / 0:00
0:00
Cùng với việc đấu giá 22 mỏ đất, tỉnh Thái Nguyên rà soát để nâng công suất khai thác đối với những mỏ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu đất san lấp.
Cùng với việc đấu giá 22 mỏ đất, tỉnh Thái Nguyên rà soát để nâng công suất khai thác đối với những mỏ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu đất san lấp.

Tỉnh Thái Nguyên đã đấu giá quyền khai thác 22 điểm mỏ và mỏ đất. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tích cực hoàn thiện thủ tục để cấp phép khai thác các mỏ đất trúng đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp.

Thiếu đất san lấp, giá tăng

Thái Nguyên đang triển khai các công trình giao thông lớn, trọng điểm như đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội nối với tỉnh Bắc Giang, các cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương, Bảo Lý-Xuân Phương, Khu đô thị Danko Phú Bình. Đồng thời, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, kinh tế-xã hội khác cũng đang được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh đã làm tăng nhu cầu vật liệu san lấp. Tuy nhiên, số lượng, sản lượng các mỏ đất đang khai thác chưa đáp ứng được nhu cầu đã làm tăng giá vật liệu san lấp, có thể dẫn đến chậm tiến độ nhiều công trình, dự án, gây thiệt hại cho các nhà thầu.

Là một trong những nhà thầu xây dựng tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội nối tỉnh Thái Nguyên với tỉnh Bắc Giang dài gần 7 km, rộng hơn 20m, vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng, cần lượng đất đắp khá lớn, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Havico cần hơn 60.000 m3 khối đất đắp để xây dựng hơn 2 km trên tuyến. Giám đốc Công ty Havico Phan Thế Hải chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi phải tìm mua đất san lấp ở nhiều mỏ mà vẫn không đáp ứng tiến độ công trình. Nguồn cung không đủ nên các mỏ đẩy giá lên cao, vận chuyển xa cho nên mỗi mét khối đất, chúng tôi lỗ khoảng 20 nghìn đồng”. Cũng là một trong những nhà thầu thi công tuyến đường vành

đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Hải phải thi công cầm chừng, máy móc, thiết bị thi công, nhân lực không được phát huy hết công suất. Những ngày đầu năm 2024, máy móc, thiết bị “nằm” trên công trường do mưa liên tục, thiếu vật liệu san lấp, giá tăng làm ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty Hoàng Hải rất sốt ruột: “Tỉnh yêu cầu xây dựng tuyến đường nhanh để thu hút đầu tư, bảo đảm chất lượng, nhưng thiếu đất san lấp nên có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, giá tăng, lên đến hơn 100 nghìn đồng/m3, trong khi đơn giá cơ quan quản lý ban hành chỉ bằng 80-90% so với thực tế nên chúng tôi bị thiệt hại”.

Dự án xây dựng tuyến đường liên kết các tỉnh Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài gần 40km, rộng hơn 20m đi qua nhiều khu vực trũng thấp và đồi núi, dự tính cần gần 1 triệu m3 đất đắp. Mặc dù đã điều phối đất đắp trên tuyến, đào đất từ đoạn thừa vận chuyển sang đoạn cần đắp nhưng vẫn thiếu. Thời gian qua, nhiều nhà thầu và tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực tìm nguồn đất đắp nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông Thái Nguyên Ngô Mạnh Cường cho biết: “Nhiều dự án, công trình lớn đang được đồng loạt triển khai, trong đó có nhiều công trình giao thông trọng điểm dẫn đến nguồn cung đất đắp không đáp ứng được nhu cầu, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ thi công, gây thiệt hại đến nhà thầu”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, địa bàn có 18 mỏ và điểm mỏ đất đang khai thác với công suất 2,01 triệu m3/năm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chỉ tính ở huyện Phú Bình, Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương rộng gần 70ha cũng đã cần hơn 1 triệu m3 đất đắp.

Tăng cường nguồn cung vật liệu san lấp ảnh 1

Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, nhu cầu đất đắp rất lớn.

Tăng cường nguồn cung

Rút kinh nghiệm từ tình trạng thiếu vật liệu san lấp thời gian vừa qua, ngay sau khi quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt, trong đó có quy hoạch các mỏ và điểm mỏ đất được tích hợp trong quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng đẩy nhanh thực hiện các thủ tục pháp lý, kế hoạch sử dụng đất. Đến tháng 12/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tổ chức đấu giá quyền khai thác 22 mỏ và điểm mỏ đất, trữ lượng mỗi mỏ từ 2 đến 3 triệu m3, được phân bổ ở các địa phương trong tỉnh, nhất là các thành phố và huyện phía nam - những địa bàn đang và sẽ triển khai những công trình, dự án lớn để tránh phải vận chuyển xa, chi phí vận chuyển cao, đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp trong những năm tới.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Minh cho biết: “Ngay sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá, chúng tôi đã hướng dẫn, yêu cầu và hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các thủ tục cấp phép khai thác. Trường hợp nào không làm thủ tục để được cấp phép khai thác trong sáu tháng kể từ khi công nhận trúng đấu giá thì sẽ hủy kết quả đấu giá và tổ chức đấu giá lại, khi đó đơn vị đã trúng đấu giá không được hoàn lại tiền đặt cọc”.

Sau khi đấu giá mỏ đất, quy trình, thủ tục để đưa mỏ vào khai thác còn nhiều, như: Các cơ quan, đơn vị liên quan phải triển khai thăm dò, phê duyệt trữ lượng, xin chủ trương đầu tư, báo cáo tác động môi trường và phục hồi môi trường, thiết kế cơ sở mỏ, thực hiện các nghĩa vụ tài chính, giải phóng mặt bằng, thuê đất, hoàn thiện hồ sơ cấp phép khai thác... Đây là khối lượng công việc lớn, mất nhiều thời gian, cho nên UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị trúng đấu giá, các sở, ngành chức năng và các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện đúng quy trình, quy định, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục, công việc liên quan, khẩn trương đưa mỏ đất sau khi đấu giá vào khai thác sớm nhất. Chậm nhất đến cuối năm nay, các mỏ phải được đưa vào khai thác ■