Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Trước Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện trên địa bàn có tổ chức lễ, hội tập trung tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, qua thực tế một số lễ hội ở Hà Nội, tình trạng mất ATTP vẫn đáng lo ngại.
0:00 / 0:00
0:00
Một gian hàng bán đồ ăn tại Khu di tích Đền Và, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. (Ảnh: LỘC XUÂN)
Một gian hàng bán đồ ăn tại Khu di tích Đền Và, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. (Ảnh: LỘC XUÂN)

Lễ hội chùa Hương, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), kéo dài suốt ba tháng xuân, thu hút hàng nghìn du khách. Theo Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế các biện pháp của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh và quyết liệt trong khi lượng khách quá tải. Vẫn còn tình trạng nhà hàng, quán cơm bày bán thực phẩm tươi sống, lẫn lộn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán, không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng. Có thể thấy, dù các cơ sở kinh doanh ở đây đều đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP, song những quy định tối thiểu về việc bảo quản thực phẩm, vệ sinh dụng cụ lại chưa được chấp hành nghiêm.

Theo lý giải của các chủ nhà hàng, ngày cao điểm của lễ hội, tại đây đón tiếp hàng chục nghìn du khách, với số lượng khách quá tải, cho nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm không tránh khỏi những sơ suất. Đó còn chưa kể, do địa hình các khu du lịch, lễ hội thường ở trên núi cao, việc sử dụng nước sinh hoạt còn khó khăn, dẫn đến việc chế biến thức ăn cho khách hàng thường chỉ qua loa, đại khái, không bảo đảm tiêu chí ATTP.

Tương tự, tại Khu di tích Đền Và (thị xã Sơn Tây), các quán ăn, gánh hàng rong mọc lên như nấm. Tại các hàng quán này không khó để bắt gặp cảnh thực phẩm chín, sống để lẫn lộn. Người bán hàng tay trần bốc bún, bốc bánh phở, cắt rồi quay sang lau dọn bát đũa, bàn ghế, đếm tiền trả lại cho khách. Chị Mai Anh, ở quận Hà Đông cho biết, cả gia đình đi du xuân từ sớm, nên khi đến Đền Và thì mệt và đói đành phải chấp nhận “khuất mắt trông coi”.

Tại Phủ Tây Hồ, là điểm du lịch tín ngưỡng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội), vào dịp đầu xuân năm mới luôn thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Ước tính, vào ngày cao điểm có hàng nghìn lượt người vào lễ tại phủ. Theo đó, các dịch vụ kinh doanh cũng mọc lên nhan nhản. Dọc hai bên đường lối đi vào Phủ, các nhà hàng ăn uống: bún ốc, bún cá, bánh tôm, bánh bột lọc, bánh đúc… nằm san sát nhau. Hàng nào cũng đông thực khách.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các loại bánh trái, thức ăn... bày biện ngay phía trước cửa hàng bốc khói nghi ngút, nhưng không được che đậy hoặc đựng trong tủ kính. Bằng mắt thường cũng thấy, phần lớn các cửa hành kinh doanh thực phẩm nơi đây không bảo đảm các tiêu chí về kinh doanh thức ăn, đồ uống đường phố…

Trao đổi về nguy cơ khi người dân sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn tại các khu vực tổ chức lễ hội, bác sĩ Hoàng Thủy, Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không bảo đảm vệ sinh sẽ có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, viêm gan…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (tính từ ngày 8/2 đến 14/2), cả nước ghi nhận tổng số 616 ca khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa; trong đó có 314 ca nhập viện theo dõi, điều trị. Những con số nêu trên cho thấy, khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm cũng tăng.

Theo Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong , thực tế qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh ATTP tại các lễ hội đầu năm nay đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ, việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại không ít lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn...

Để bảo đảm kiểm soát được ATTP tại các lễ hội xuân 2024, cùng với việc thực hiện tốt quy định của Ban Chỉ đạo liên ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vệ sinh ATTP, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm (điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn…).

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức, triển khai thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi nhằm bảo đảm ATTP trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, rộng khắp công tác thanh tra liên ngành về việc chấp hành các quy định về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thức ăn đường phố phục vụ lễ hội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho cộng đồng, qua đó tạo sự răn đe, bảo đảm quyền lợi, an toàn cho du khách khi đi lễ tại các điểm đình, chùa, nơi diễn ra lễ hội trong dịp đầu xuân này.