Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm cho học sinh

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong và chung quanh trường học tại Hà Nội đã được tăng cường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiệm vụ này còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc thường xuyên, liên tục và quyết liệt hơn.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội), thành phố có hơn 4.000 bếp ăn tập thể trường học. Hiện nay, hầu hết các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều.

Tuy nhiên, một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp; chưa vận hành theo nguyên tắc một chiều; kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể có nơi chưa được triển khai thường xuyên và chưa được truy xuất đến tận cơ sở nuôi trồng, giết mổ.

Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xuất hiện chung quanh cổng trường. Tại các quán hàng này, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh.

Bà Nguyễn Thị Thu, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa) chia sẻ sự lo lắng khi thấy bên ngoài các cổng trường đều có nhiều hàng quán bán đồ ăn, nước uống tràn lan: "Tôi mong chính quyền sở tại có biện pháp xử lý kiên quyết hơn với những cơ sở kinh doanh mất vệ sinh ở quanh khu vực cổng trường, nhất là những gánh hàng rong.

Trước thực trạng này, ngày 11/7/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và chung quanh cổng trường học trên địa bàn".

Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, kế hoạch chuyên đề lần này huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Cụ thể, các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và chung quanh cổng trường học; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị-xã hội.

Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố và các đoàn kiểm tra liên ngành của các địa phương đã tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất, đánh giá hiệu quả triển khai các hoạt động chuyên đề "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và chung quanh cổng trường học" cũng như việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể, căng-tin trường học, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Tại các địa phương, những nhiệm vụ này đang được tập trung thực hiện. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai Nguyễn Khắc Thắng, ngay từ đầu năm học 2024-2025, phòng đã yêu cầu các nhà trường thực hiện đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm, liên tục tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên và học sinh về an toàn thực phẩm.

Đến nay, 100% số nhà trường có bếp ăn tập thể đã tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm; phấn đấu 100% số cán bộ quản lý, giáo viên, người trực tiếp liên quan đến thực phẩm, nhân viên nuôi dưỡng có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm chuyên đề "Kiểm soát an toàn thực phẩm trong và chung quanh cổng trường học" nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) đề nghị, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh. Qua đó, giúp các em biết cách lựa chọn các thực phẩm bảo đảm an toàn. Mỗi người dân, nhất là cha mẹ học sinh, khi phát hiện thấy dấu hiệu không bảo đảm an toàn thực phẩm tại trong và chung quanh trường học hoặc bất kể tại đâu, cần thông tin đến cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xác minh, xử lý. Các nhà trường cần tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào hằng ngày và quy trình cung cấp thực phẩm tới học sinh.