Tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam-Bangladesh

NDO - Chiều 7/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Bangladesh là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam ở khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng 9,3% xuất khẩu của Việt Nam đến Nam Á và 2% nhập khẩu của Việt Nam từ Nam Á năm 2023.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 giữa Việt Nam và Bangladesh ước đạt 562 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Bangladesh ước đạt 505 triệu USD.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm clinker và xi-măng (110 triệu USD); xơ, sợi dệt các loại (83,8 triệu USD); hàng dệt, may (90 triệu USD); chất dẻo nguyên liệu (28 triệu USD); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (37 triệu USD)…

Với mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương giữa Bangladesh và Việt Nam, Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức lần này sẽ tập trung kết nối giao thương các ngành hàng như dệt may, ngành điện, điện tử và năng lượng, ngành cơ khí, ngành du lịch, logistics, ngành y tế, ngành nguyên liệu thô (nhựa, giấy, hóa chất).

Tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam-Bangladesh ảnh 2

Hoạt động kết nối giao thương (B2B) giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Bangladesh.

“Doanh nghiệp Việt Nam có thể coi Bangladesh là cửa ngõ để thâm nhập và mở rộng sang thị trường Nam Á”, ông Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (Bangladesh) kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Bangladesh, và nhấn mạnh thêm rằng Bangladesh là quốc gia có cơ chế đầu tư ấn tượng, các lợi ích tài chính và phi tài chính đa dạng, cũng như môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Để tăng cường thương mại song phương và thúc đẩy quỹ đạo kinh tế, ông Ashraf Ahmed cho rằng, cả hai nước cần đẩy nhanh các nghiên cứu tìm hiểu khả năng ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) nhằm tăng cường ổn định quan hệ kinh tế và thương mại song phương giữa hai nước trong khu vực; sớm bắt đầu kết nối hàng không trực tiếp giữa Dhaka và Hà Nội để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân.