Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và các đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk; Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương của 2 tỉnh.
Theo biên bản được ký kết tại hội nghị, chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 gồm 6 lĩnh vực: Nông nghiệp; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; du lịch; giao thông-vận tải; y tế, giáo dục-đào tạo, lao động và việc làm; quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp: 2 tỉnh tăng cường trao đổi học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành, đặc biệt là phối hợp nghiên cứu hỗ trợ chuyển giao các mô hình, cách làm phù hợp về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sinh hoạt… Trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hợp tác; xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm giữa 2 tỉnh; phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, truy xuất nguồn gốc vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp ra vào 2 tỉnh.
Liên kết trao đổi thông tin về giá cả thị trường; trao đổi quảng bá, giới thiệu các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng trình độ khoa học kỹ thuật cao và bảo vệ môi trường sinh thái, kinh nghiệm trong xây dựng phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Phối hợp trong nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ phát triển ngành nông nghiệp của 2 tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, giáo dục quản lý, bảo vệ rừng, quản lý dân cư vùng giáp ranh; kiểm tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ khu vực giáp ranh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các đại biểu dự hội nghị tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp đặc trưng của 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. |
Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, 2 tỉnh thực hiện trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng liên quan đến doanh nghiệp. Thường xuyên cung cấp thông tin về xúc tiến đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Đắk Lắk để các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp 2 tỉnh hợp tác kinh doanh, liên kết cung ứng máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, chuyển giao công nghệ để phục vụ chế biến sản phẩm nông sản, bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch…
Trong lĩnh vực du lịch: 2 tỉnh liên kết hợp tác phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của từng địa phương; xây dựng các tour du lịch kết nối giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Liên kết hợp tác trên lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch; kêu gọi đầu tư và hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch dựa trên lợi thế và tiềm năng của mỗi địa phương.
Trong lĩnh vực giao thông-vận tải: 2 tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam trong quá trình triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong công tác triển khai đầu tư xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Phối hợp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng đoạn tuyến quốc lộ 26 nối 2 tỉnh Khánh Hòa-Đắk Lắk; sớm triển khai đầu tư đoạn tuyến quốc lộ 26B kết nối tuyến quốc lộ 26, quốc lộ 1 đến khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; bổ sung quy hoạch quốc lộ 26 kéo dài đoạn qua tỉnh Đắk Lắk từ Km151 đến khu vực cửa khẩu Đắk Ruê, tỉnh Đắk Lắk.
Tăng cường hợp tác, trao đổi và vận chuyển hàng hoá qua các cảng biển, Cảng Hàng không như: Cảng Cam Ranh, Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các cảng trong việc kết nối cung cầu để thuận tiện đưa hàng hóa qua các cảng. Phối hợp phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tỉnh các tuyến Nha Trang-Buôn Ma Thuột; Ninh Hòa, Vạn Giã-Buôn Ma Thuột.
Phối hợp trao đổi thông tin kinh nghiệm để phát triển bền vững hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển đô thị; phát triển chuỗi logistics trong lưu thông phân phối hàng hóa thông qua các trục hành lang vận tải giữa 2 tỉnh.
Đối với lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm: 2 tỉnh tổ chức hợp tác, phối hợp trong nghiên cứu khoa học, phòng, chống dịch bệnh, kịp thời cung cấp và hỗ trợ thông tin cho nhau về tình hình dịch tễ nhằm kiểm soát và ngăn chặn lây lan trên diện rộng, nhất là các vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh.
Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề 2 tỉnh liên kết hợp tác trong công tác tuyển sinh, đào tạo và các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của 2 tỉnh.
Thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về thị trường lao động giữa 2 tỉnh nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động trong việc tuyển dụng và tìm kiếm việc làm.
Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh: 2 tỉnh phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang Công an, Quân sự, Biên phòng giữa 2 tỉnh; trong đó chú trọng hợp tác đấu tranh các loại tội phạm hoạt động liên tỉnh, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 26.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chúc mừng và đánh giá cao việc 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa tổ chức ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí nhấn mạnh: 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa là 2 tỉnh núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân các dân tộc 2 tỉnh có truyền thống lịch sử lâu đời, gắn bó tình cảm, giao lưu văn hóa, kết nối giao thương, đồng cam cộng khổ trong chiến tranh và hợp tác, hỗ trợ cùng nhau trong quá trình xây dựng, phát triển của 2 tỉnh.
Đặc biệt, 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa là 2 tỉnh lớn trong khu vực, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để hợp tác, bổ trợ cho nhau để cùng nhau phát triển. Đắk Lắk nằm ở khu vực trung tâm vùng Tây Nguyên, có 49 dân tộc cùng sinh sống với nền văn hóa đa bản sắc, là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại; có lợi thế phát triển nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch cảnh quan, sinh thái…
Trong khi đó, Khánh Hòa thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, là cửa ngõ giao thông hướng ra biển với nhiều cảng biển nước sâu, mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi; có sân bay quốc tế; có nhiều tiềm năng, lợi thế để bức phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đang được Bộ Giao thông vận tải và 2 tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy kết nối hợp tác, giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng với Khánh Hòa được thuận lợi hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 2 vùng kinh tế và của 2 tỉnh.
Để khai thác những tiềm năng, lợi thế đó của 2 tỉnh, trên cơ sở nội dung được ký kết, lãnh đạo Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành triển khai các nội dung hợp tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng địa phương, các tỉnh sẽ chủ động có văn bản đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương quản lý nhằm tạo điều kiện để hai tỉnh thực hiện có hiệu quả nội dung đã ký kết; đồng thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên kết để thúc đẩy tăng trưởng, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn 2 tỉnh.