Sáng 17/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị doanh nghiệp và đầu tư Ấn Độ - các tỉnh Tây Nguyên.
Đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Tham dự hội nghị có 300 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum; Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ; các cơ quan, doanh nghiệp đến từ Ấn Độ và các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, có đại diện 140 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và 57 doanh nghiệp đến từ Ấn Độ.
Đây là hội nghị kết nối doanh nghiệp, địa phương của Ấn Độ với các tỉnh Tây Nguyên có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk. Từ hội nghị này, các địa phương, doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên và Ấn Độ tăng cường kết nối hợp tác, đẩy mạnh giao thương trên các lĩnh vực: Đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin và du lịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn khẳng định, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh hợp tác, giao thương với các địa phương, doanh nghiệp Ấn Độ, thông qua sự hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có thể kể đến dự án Nhà máy chế biến cà-phê hòa tan “Cà-phê ngon” của Công ty trách nhiện hữu hạn Cà-phê Ngon đặt tại Cụm công nghiệp huyện Cư Kuin, sản xuất 36.000 tấn cà-phê hòa tan/năm; 6.000 tấn cà-phê lỏng/năm; mua bán, xuất nhập khẩu cà-phê nhân, công suất 15.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 140 triệu USD và 100% vốn đầu tư của Ấn Độ.
Dự án đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 1 triệu USD/năm. Đây được xem là một trong những dự án FDI hiệu quả và có sức lan tỏa nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng như toàn khu vực Tây Nguyên.
Các đại biểu và doanh nghiệp của Ấn Độ dự hội nghị. |
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, mặc dù tỉnh Đắk Lắk cũng như toàn vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng việc các nhà đầu tư Ấn Độ đến tìm hiểu, đầu tư còn hạn chế.
Sau hội nghị này, tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên rất mong Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ, giới thiệu nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát và tiến hành các hoạt động đầu tư, giao thương với tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên trên mọi lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin. Trong đó, Đắk Lắk kỳ vọng sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản như sầu riêng, trái cây, điều, cà-phê…, chất lượng cao cho các kênh phân phối ở Ấn Độ.
Trong khuôn khổ của hội nghị, các đại biểu đã tiến hành một số phiên thảo luận, xúc tiến hợp tác đầu tư: Tình hình đàm phán xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Ấn Độ; tiềm năng thị trường Ấn Độ và những quy định về nhập khẩu sầu riêng vào Ấn Độ; tình hình đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam và một số khuyến nghị cho địa phương, doanh nghiệp; tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk… Đại diện các tỉnh Tây Nguyên cũng trả lời một số câu hỏi của các địa phương, doanh nghiệp Ấn Độ về tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại trên các lĩnh vực.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết, việc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị doanh nghiệp và đầu tư Ấn Độ-các tỉnh Tây Nguyên là cơ hội rất tốt quảng bá hình ảnh về vùng đất, văn hóa và con người tỉnh Đắk Lắk đến với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Ấn Độ. Đặc biệt, thông qua hội nghị này để kết nối doanh nghiệp, địa phương của Ấn Độ với các tỉnh Tây Nguyên mà thành công của dự án Nhà máy chế biến cà-phê hòa tan “Cà-phê ngon” của Công ty trách nhiệm hữu hạn Cà-phê ngon Ấn Độ đặt tại Cụm công nghiệp huyện Cư Kuin là một chứng minh.
Các doanh nghiệp của Ấn Độ tìm hiểu trái cây của Việt nam trưng bày tại hội nghị. |
Với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, trong những năm gần đây các loại cây ăn quả, nhất là cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 32.785ha sầu riêng, trong đó có 9.556ha trồng thuần và 23.229ha trồng xen, với sản lượng đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so năm 2022, đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Tiền Giang.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có 68 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 2.521ha và 23 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đạt 150-160 triệu USD.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 28.000ha hồ tiêu và trên 213.000ha cà-phê với sản lượng trên 550 nghìn tấn cà-phê nhân mỗi năm…
Thông qua hội nghị này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng, địa phương của Ấn Độ tạo điều kiện thuận lợi cho quả sầu riêng Đắk Lắk nói riêng, các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Lắk nói chung được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Ấn Độ, đáp ứng nhu cầu của người dân Ấn Độ…
Các đại biểu và doanh nghiệp của Ấn Độ và Đắk Lắk trao đổi bên lề hội nghị. |
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiềm năng đầu tư giữa các tỉnh Tây Nguyên với các địa phương, doanh nghiệp Ấn Độ là rất lớn.
Thông qua hội nghị này, chúng tôi cùng các doanh nghiệp Ấn Độ có cơ hội tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng các chiến dịch truyền thông về tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam đến với nhân dân, các doanh nghiệp của Ấn Độ, qua đó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào Tây Nguyên của Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh trao biên bản ghi nhớ hợp tác cho các doanh nghiệp. |
Tại hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã công bố và trao 66 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các doanh nghiệp Ấn Độ trên các lĩnh vực logistics, năng lượng, bảo hiểm, xây dựng, bất động sản, giáo dục, y tế, dệt may, công nghệ thông tin, đầu tư, thương mại, cơ khí, sản xuất phân bón…