Đắk Lắk tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường. Ðồng hành với doanh nghiệp, hằng năm, lãnh đạo tỉnh Ðắk Lắk đều tổ chức đối thoại và gần đây, hằng tuần đều tổ chức “Cà-phê doanh nhân” để lắng nghe, chia sẻ và chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ðắk Lắk trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ðại diện doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ðắk Lắk trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp “than” nhiều khó khăn, vướng mắc

Công ty cổ phần Anland Coffee có một xưởng chế biến cà-phê tại Cụm công nghiệp Tân An (phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột) với diện tích 350m2. Ðể mở rộng quy mô chế biến, tháng 5/2023, công ty tiếp tục đầu tư 2 tỷ 870 triệu đồng để xây dựng mở rộng thêm nhà xưởng với diện tích 1.050m2. Tuy nhiên, do vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy, doanh nghiệp phải tạm dừng thi công.

Ông Huỳnh Văn Kiều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Anland Coffee cho biết: “Khi thiết kế và cấp phép xây dựng nhà xưởng đã có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, nhưng đơn vị thiết kế không thể đưa ra đơn giá thi công phòng cháy, chữa cháy được. Khi chúng tôi làm xong khung nhà xưởng, thuê đơn vị thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy thì họ báo giá 1,2 tỷ đồng, chưa kể kinh phí xây dựng hồ chứa nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy khoảng 400 triệu đồng nữa.

Do kinh phí thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy chiếm gần 50% kinh phí đầu tư của dự án và thủ tục hành chính rườm rà, nhất là chủ đầu tư không có sự lựa chọn đơn vị thi công… gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nên chúng tôi đã tạm dừng xây dựng nhà xưởng”, ông Kiều chia sẻ.

Còn ông Doãn Hữu Tuệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc tế Mỹ Việt, đầu tư xây Nhà máy chế biến cà-phê hòa tan Mỹ Việt tại Khu công nghiệp Hòa Phú (xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột) phản ánh: “Năm 2018, công ty chúng tôi đầu tư nhà máy chế biến cà-phê hòa tan xuất khẩu với công suất 2.100 tấn/năm. Ðáng ra khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản thì doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi của tỉnh, nhưng sáu năm qua doanh nghiệp chúng tôi không được hưởng một chính sách ưu đãi nào.

Không chỉ vậy, là khu công nghiệp lớn của tỉnh nhưng đường giao thông dẫn từ Quốc lộ 14 vào khu công nghiệp chỉ hơn 2 km song xuống cấp, hư hỏng nhiều năm không được đầu tư nâng cấp. Ðến nay, trong khu công nghiệp vẫn không có nước máy, buộc doanh nghiệp phải bỏ thêm tiền khoan giếng lấy nước sử dụng…; mặc dù doanh nghiệp đã nhiều lần than phiền, kiến nghị lên tỉnh nhưng vẫn không được giải quyết. Bên cạnh đó, giá thuê đất trong khu công nghiệp cũng không thống nhất.

Theo hợp đồng thuê đất quy định: “Ðơn giá cho thuê lại đất thô, đất có hạ tầng sẽ được thay đổi khi có văn bản điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền”. Thế nhưng, ngày 19/10/2023, Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú thông báo về việc tạm thu tiền thuê đất thô tại Khu công nghiệp Hòa Phú, trong đó tạm thu của doanh nghiệp chúng tôi hơn 311 triệu đồng mà không thông báo văn bản điều chỉnh giá đất của cơ quan có thẩm quyền và việc tạm thu này không rõ ràng, gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp”.

Ông Phạm Ðông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ðắk Lắk, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải ô-tô An Phước thẳng thắn chia sẻ, những năm gần đây, hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh đều tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và “Cà-phê doanh nhân”, nhưng mới dừng lại ở việc lắng nghe các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và thông tin tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh chứ chưa quyết liệt triển khai các giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí, một số nơi vẫn còn tình trạng chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp và hợp tác xã chưa được giải quyết thỏa đáng. Các cơ quan chưa chủ động thông báo tiến trình giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp trông ngóng với tâm lý hoang mang. Thời gian gần đây, còn xảy ra tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, xảy ra ở một số đơn vị, địa phương, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, một số kiến nghị nhỏ, dễ giải quyết nhưng chưa được các ngành chức năng tháo gỡ kịp thời, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Ông Thanh cho biết: Vướng mắc, trăn trở của nhiều doanh nghiệp hiện nay là công tác quy hoạch và việc liên tiếp trong ba năm từ 2020-2022, Bộ Xây dựng ban hành ba quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy khiến doanh nghiệp khó có thể theo kịp và rất tốn kém trong việc thực hiện.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp tại Ðắk Lắk có quy mô vừa và nhỏ nên thường biến động, thay đổi mô hình kinh doanh. Khi thay đổi công năng hoạt động lại phải thay đổi hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy chuẩn mới sẽ rất khó khăn, tốn kém. “Doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 đã rất khó khăn, khi thay đổi quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy cần có lộ trình, nếu thay đổi “xoành xoạch” thì doanh nghiệp không thể cập nhật kịp thời. Do đó, chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh có ý kiến lên các bộ, ngành Trung ương có giải pháp để tháo gỡ cho doanh nghiệp…”, ông Thanh đề nghị.

Xử lý nghiêm cán bộ phiền hà, nhũng nhiễu

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với doanh nghiệp diễn ra trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà thông tin: Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm tỉnh thu hút được khoảng 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh tiếp hơn 400 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có 280 hồ sơ đăng ký đầu tư…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn một số hạn chế; giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; tài chính bị siết chặt; thị trường quốc tế bị thu hẹp; thị trường bất động sản “đóng băng”… là những rào cản tác động, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp. Chỉ trong chín tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh có tới 792 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, tương đương 74,37% số doanh nghiệp thành lập mới.

Nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng chưa thực hiện các thủ tục theo quy định. Số lượng doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng được các chính sách, chương trình hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 hay hỗ trợ phục hồi sản xuất như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cũng rất hạn chế. Bên cạnh đó, trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng điều hành, năng lực cạnh tranh, nhưng chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Năm 2022, PCI của tỉnh giảm 26 bậc so với năm 2021, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố… Tất cả những vấn đề này đang được tỉnh tập trung giải quyết. “Ðể đẩy mạnh thu hút đầu tư, công tác quy hoạch phải bài bản, khoa học và cụ thể. Vì vậy, tỉnh đang đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột để tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông, giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk Phạm Ngọc Nghị thẳng thắn: “Thời gian qua, tôi nhận được phản ánh của người dân, doanh nghiệp về việc cán bộ có đạo đức công vụ kém, muốn “có gì đó” mới chịu giải quyết, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân”. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiếp tục giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp với phương châm: Khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó.

Ðồng thời, tỉnh sẽ nâng cao năng lực dự báo về các lĩnh vực, nhất là dự báo về thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, nhất là lĩnh vực tài nguyên-môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ðáng chú ý, tỉnh sẽ quan tâm nâng cao đạo đức công vụ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức làm việc ở những cơ quan, bộ phận liên quan trực tiếp với doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh doanh nghiệp.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cũng như thông tin kịp thời chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Trung ương và của tỉnh; đẩy mạnh việc triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế; tăng cường minh bạch thông tin, khắc phục tình trạng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng; đồng thời kịp thời tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh.