Tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-EU sâu sắc, thực chất

Sáng 8/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange cùng Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao đối tác châu Âu; bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hai bên sâu sắc và thực chất hơn nữa; sẵn sàng trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm và cả những vấn đề có những khác biệt trên tinh thần đối tác quan trọng, tin cậy.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu Bernd Lange với các đại biểu tại buổi tiếp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu Bernd Lange với các đại biểu tại buổi tiếp.

Nhìn lại thời gian qua, theo Chủ tịch Quốc hội, hai bên chứng kiến những bước tiến triển vượt bậc trên tất cả các trụ cột hợp tác từ chính trị-đối ngoại, kinh tế-thương mại-đầu tư, nông-lâm-ngư nghiệp đến hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và EU.

Đặc biệt, trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, sau 2 năm nỗ lực thực thi hiệu quả, Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, góp phần duy trì đà tăng trưởng thương mại song phương.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) tuy mới có 12 nước thành viên EU phê chuẩn và chưa chính thức có hiệu lực, nhưng đã có ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn của EU quan tâm, đầu tư tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn những đóng góp quan trọng của Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu và cá nhân Chủ tịch Bernd Lange trong quá trình đàm phán, phê chuẩn và triển khai thực thi EVFTA; cho rằng, chuyến thăm của Đoàn rất ý nghĩa để cả hai bên đánh giá lại việc thực thi EVFTA thời gian qua, những giải pháp tiếp tục phát huy tối đa lợi ích của Hiệp định cũng như thúc đẩy việc phê chuẩn EVIPA.

Tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-EU sâu sắc, thực chất ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, Nghị viện châu Âu Bernd Lange.

Nhất trí với những đánh giá của Chủ tịch Quốc hội về vai trò của EVFTA, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange khẳng định EVFTA là nền tảng vững chắc cho cả hai bên trong ổn định tình hình kinh tế-xã hội, hướng tới phát triển tương lai.

Qua thống kê trong 2 năm thực thi EVFTA đã cho thấy những tác động tích cực của Hiệp định, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả hai bên trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.

Liên quan đến EVIPA, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange cho biết, lý do khiến một số nước thành viên EU chậm trễ chưa phê chuẩn là bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nước còn lại đang thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định này vì với bối cảnh toàn cầu hiện nay, các nước EU cũng đều mong muốn sự ổn định, hợp tác với các đối tác đáng tin cậy.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế khẳng định, Việt Nam luôn là đối tác tin cậy của EU. Hai bên đã thiết lập quan hệ hiệu quả, chặt chẽ và gần gũi trong nhiều lĩnh vực, thể hiện qua nhiều hiệp định đã được ký kết và nhiều khuôn khổ hợp tác mới đang được xây dựng trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển cơ sở hạ tầng xanh...

Thống nhất với nhận định của Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange về quan hệ Việt Nam-EU, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange cùng với Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu tiếp tục hỗ trợ quá trình thực thi EVFTA, thúc đẩy các nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVIPA.

Việt Nam và Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác, phối hợp với EU, Nghị viện châu Âu (EP) trong thực thi 2 hiệp định quan trọng này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị EU tiếp tục giữ vai trò bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải; làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam cũng như giữa Việt Nam với từng nước thành viên; ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; tiếp tục tăng cường hợp tác giữa EU và ASEAN, nhất là thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị EU và Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là hợp tác trong chuyển đổi năng lượng công bằng, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP-26 bao gồm việc thúc đẩy triển khai đối tác 3 bên EU-Vương quốc Anh-Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn EU tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số phù hợp chính sách, ưu tiên của EU và việc triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đang rất quyết liệt triển khai thực hiện cam kết quốc tế và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản, song đây là vấn đề cần có lộ trình và sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế, trong đó có EU. Chủ tịch Quốc hội đề nghị EU tiếp tục triển khai các Đoàn công tác trực tiếp đánh giá quá trình thực thi để sớm gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động do tác động của đại dịch, xung đột địa chính trị, lạm phát thế giới mà nguyên nhân chủ yếu do sự đứt gãy, gián đoạn các chuỗi cung ứng, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục trao đổi về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm nhất là trong việc khôi phục, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng.

Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với EU và mong muốn hợp tác hai bên ngày càng sâu sắc, thực chất hơn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên tinh thần đối tác quan trọng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, hai bên tăng cường trao đổi, cởi mở thẳng thắn không chỉ về những quan tâm chung mà cả các vấn đề còn có quan điểm khác nhau.

Trao đổi về những vấn đề này, ghi nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, đồng thời, đánh giá cao những đóng góp tích cực tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, thể hiện sự chủ động tích cực của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange cho biết, cá nhân mình và EU luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề thuộc về nguyên tắc, luật lệ quốc tế cũng như ủng hộ Việt Nam tại các tổ chức quốc tế.

Chia sẻ những thách thức chung mà các bên phải đối mặt trong tương lại như phát thải khí nhà kính, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange tin tưởng rằng, với các cam kết chung, hai bên có cơ hội hợp tác tăng cường hợp tác trong thời gian tới, cơ chế 3 bên EU-Vương quốc Anh-Việt Nam sẽ sớm được triển khai để hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng xanh; cũng như huy động nguồn vốn đầu tư của cả khu vực công và tư nhân trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange cũng cho biết, trong thời gian tới, EU sẽ tăng tốc xem xét để gỡ bỏ thẻ vàng đối với lĩnh vực thủy sản đối với Việt Nam.

Nêu rõ trong bối cảnh có nhiều thách thức, việc ứng phó là không đơn giản đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía để bảo đảm khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng, bảo đảm tính minh bạch và tránh các cuộc khủng hoảng có thể tái diễn trong tương lai, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange nhất trí rằng với tinh thần hợp tác, tin cậy các bên cùng tăng cường hợp tác trao đổi để giải quyết các vấn đề còn có sự khác biệt với cách tiếp cận thân thiện.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ngài Chủ tịch chuyển lời mời bà Chủ tịch EP Roberta Metsola sang thăm Việt Nam trong thời gian tới.