Chung sức, đồng lòng, đấu tranh quyết liệt phòng, chống ma túy

Sáng 10/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy do Bộ Công an tổ chức. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an chủ trì hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị.

Theo Bộ Công an, dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, công tác phòng, chống ma túy năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng; hoàn thành đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm đề ra.

Nổi bật là:

Công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Các lực lượng chuyên trách của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan đã phối hợp, hiệp đồng hiệu quả, phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được ngăn chặn.

Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan ma túy có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy được tăng cường mở rộng, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chung sức, đồng lòng, đấu tranh quyết liệt phòng, chống ma túy ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị.

Với vai trò chủ công, nòng cốt, Bộ Công an đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Phương án nghiệp vụ số 02 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm, tập trung là tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền trung-Tây Nguyên và Tây Nam. Triển khai thực hiện các Hiệp định song phương, đa phương và các Bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới gồm: Trung Quốc, Lào, Campuchia, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào nước ta từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát… góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới và trên biển, xác lập đấu tranh chuyên án triệt phá các các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Bộ Lao động Thương binh và xã hội tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Chỉ đạo triển khai công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định mới.

Chung sức, đồng lòng, đấu tranh quyết liệt phòng, chống ma túy ảnh 2
Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu.

Bộ Y tế ban hành Thông tư và triển khai các quy định tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy; công bố danh sách cơ sở y tế trực thuộc đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy.

Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng, hàng hóa, loại hình xuất-nhập khẩu tiềm ẩn nguy cơ cất giấu, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất. Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng chức năng và các địa phương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu, quản lý, sử dụng hóa chất, tiền chất công nghiệp của các doanh nghiệp nhằm phát hiện, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp tập trung làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án về ma túy, nhất là các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp. Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt, triển khai Dự án “Nâng cao năng lực xét xử của Tòa án nhân dân các cấp trong công tác xét xử các vụ án ma túy và áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Chung sức, đồng lòng, đấu tranh quyết liệt phòng, chống ma túy ảnh 3
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tại các địa phương: Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tham mưu Tỉnh ủy, Thành ủy; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, chương trình kế hoạch cụ thể để triển khai công tác phòng, chống ma túy; tập trung giải quyết những vấn đề, vụ việc phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy; chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy; thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm tình hình địa bàn, đối tượng, xây dựng, củng cố nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và quyết tâm cao độ, năm 2022, các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã phối hợp, hiệp đồng phát hiện hiện, bắt giữ 26.967 vụ, 41.308 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 809kg heroin; 6,1 tấn ma túy tổng hợp, 867kg cần sa và trên 1 tấn ma túy khác; triệt xóa 417 điểm, 43 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh 1.563 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm để sử dụng ma túy.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhìn lại hơn 1 năm qua, chúng ta triển khai Luật Phòng, chống ma túy trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động sâu sắc của nhiều yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine và các vấn đề thế giới khác. Các tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, thường lợi dụng khó khăn này để hoạt động. Hơn nữa, tình hình ma túy trên thế giới và khu vực với “điểm nóng” về ma túy là vùng Tam giác vàng diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy ở nước ta…

Chung sức, đồng lòng, đấu tranh quyết liệt phòng, chống ma túy ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Mặc dù vậy, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, lực lượng Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, vượt qua nhiều thách thức, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với những kết quả nổi bật như đã được nêu tại Báo cáo và các ý kiến phát biểu của các đại biểu.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác phòng, chống ma túy thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế; đồng thời chia sẻ một số quan điểm để tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy thời gian tới:

Phải nâng cao hơn nữa nhận thức về hiểm họa, nguy hiểm sâu xa về ma túy đối với sự phát triển bền vững của đất nước; công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trong đó lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, sự đồng hành, ủng hộ của quần chúng nhân dân cùng hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng liên quan, sự hợp tác quốc tế.

Ma túy là hiểm họa của nhân loại, là vấn đề toàn cầu nên phòng chống ma túy phải có cách tiếp cận toàn cầu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế; đồng thời, đây cũng là vấn đề toàn dân nên phải có những giải pháp toàn dân, phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị xã hội. Phòng, chống và kiểm soát ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm, quyết liệt, đấu tranh mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu; và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị-xã hội. Phòng, chống tội phạm về ma túy phải “phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, ngay tại cơ sở; đánh cả đường dây, không đánh khúc giữa; bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu và các đối tượng nguy hiểm”.

Chung sức, đồng lòng, đấu tranh quyết liệt phòng, chống ma túy ảnh 5

Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phòng và chống, giữa đấu tranh quyết liệt để giảm cung, đến đấu tranh, ngăn ngừa quyết liệt để giảm cầu và giảm tác hại; công tác phòng ngừa và đấu tranh phải kết hợp chặt chẽ với nhau, trong đó coi trọng công tác phòng ngừa là cơ bản, quyết định. Muốn giảm nguồn cầu thì phải coi trọng công tác phòng, chống ma túy từ cơ sở và tập trung vào nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở có vai trò hết sức quan trọng; xã, phường, thị trấn mà không có ma túy thì không có cung. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tạo công ăn việc làm, sinh kế với người dân, chia sẻ với người không may dính vào ma túy.

Đề cập các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý thêm một số nội dung: Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống ma túy; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ về công tác phòng, chống ma túy; khẩn trương kiện toàn các tổ chức theo quy định, nhất là Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới và các quốc gia có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống ma túy, thực hiện tốt các cam kết quốc tế; đẩy mạnh triển khai Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; trong đó: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn cân đối, bố trí kinh phí từ các nguồn phù hợp cho các dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình theo đúng quy định và khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Các bộ: Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin truyền thông; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành, phê duyệt các dự án đã được giao thuộc Chương trình theo Quyết định 1452 của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trước ngày 30/3/2023).

Bộ Công an: Thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực, là lực lượng nòng cốt về phòng, chống ma túy; tập trung đấu tranh, triệt xóa các cơ sở, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn để họ không trở thành người nghiện và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Bộ Quốc phòng: Quản lý chặt chẽ tuyến biên giới; phối hợp lực lượng Công an để phòng, chống ma túy từ xa, nhất là khu vực biên giới, trên biển.

Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan; chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là các hành vi mua bán, vận chuyển, lưu hành các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị lợi dụng để ma túy “núp bóng”.

Chung sức, đồng lòng, đấu tranh quyết liệt phòng, chống ma túy ảnh 6

Hội nghị được diễn ra dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đánh giá hiệu quả các biện pháp cai nghiện, nhất là biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập; sớm đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, sử dụng các nền tảng số; huy động học sinh, sinh viên vào công tác tuyên truyền; giáo dục phòng, chống ma túy, nhất là tại các “điểm nóng” về ma túy và với nhóm nguy cơ cao (học sinh, sinh viên...).

UBND các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phòng, chống và kiểm soát ma túy; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và ban hành Kế hoạch phòng, chống ma túy; ưu tiên, bố trí kinh phí phù hợp; sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới cơ sở cai nghiện ma túy công lập đáp ứng yêu cầu; tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện; tăng cường hợp tác công tư trong các cơ sở cai nghiện; cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo nắm chắc tình hình, chỉ đạo xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy.

Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy còn rất nhiều cam go, nguy hiểm và khó khăn thách thức phía trước đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong đấu tranh phòng, chống ma túy…