Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu qua đường hàng không

NDO - Thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua đường hàng không có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự thông thoáng về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý… để móc nối, cấu kết với phía nước ngoài, hình thành các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Số ma túy cất giấu tinh vi trong máy lọc không khí, vận chuyển từ Đức về Việt Nam.
Số ma túy cất giấu tinh vi trong máy lọc không khí, vận chuyển từ Đức về Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, hàng hóa do các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép qua các cảng hàng không quốc tế chủ yếu là tiền tệ, vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, rượu, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hóa khác có trị giá cao.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cho biết, việc vận chuyển trái phép các chất ma túy hoạt động không theo quy luật, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi (thông qua thủ đoạn cất giấu, ngụy trang ma túy thành hàng hóa, hành lý thông thường), liều lĩnh và manh động (mang theo người).

Để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Tổng cục Hải quan giao Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang làm tốt công tác nghiệp vụ, thu thập thông tin, dự báo tình hình, nắm chắc, nhận diện, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Căn cứ các tuyến bay quốc tế qua cảng hàng không do đơn vị quản lý, các đơn vị xác định mặt hàng trọng điểm và tuyến bay trọng điểm để tập trung áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.

Việc vận chuyển trái phép các chất ma túy hoạt động không theo quy luật, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi (thông qua thủ đoạn cất giấu, ngụy trang ma túy thành hàng hóa, hành lý thông thường), liều lĩnh và manh động (mang theo người).

Trong đó, tập trung trọng tâm vào các mặt hàng trọng điểm như: vũ khí, ma túy, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, hàng cấm, rượu, tiền tệ, vàng, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hóa khác có trị giá cao, hành lý, hàng ký gửi, chuyển phát nhanh, quà biếu phi mậu dịch qua các tuyến bay quốc tế đến từ các quốc gia thuộc châu Âu (Đức, Hà Lan, Tiệp Khắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Pháp...), châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc...), châu Mỹ (Canada, Hoa Kỳ...), châu Đại dương... về Việt Nam

Các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo loại hình H11 (hàng hóa là quà biếu, quà tặng, hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận đơn, hàng hóa mang theo người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế), đặc biệt là tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong đó, lưu ý kiểm tra, đối chiếu thông tin của người khai hải quan là cá nhân (quán triệt trách nhiệm công chức hải quan trong đơn vị về tính xác thực, chính xác khi kiểm tra đối chiếu hình ảnh ngoài với thông tin trên giấy tờ căn cước công dân, hộ chiếu của người khai hải quan) để tránh tình trạng sử dụng giấy tờ, thông tin giả để khai hải quan.

Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng tại khu vực cửa khẩu cảng hàng không quốc tế lắp đặt các bảng hướng dẫn, cảnh báo, tờ rơi, tờ gấp để tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hành khách xuất nhập cảnh các quy định về khai hải quan, định mức miễn thuế, luồng hành khách không phải khai báo hải quan “cửa xanh”, luồng hành khách thuộc diện phải khai báo hải quan “cửa đỏ”, nhằm rút ngắn thời gian thông quan cho hành khách xuất nhập cảnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hải quan.

Bên cạnh đó, cơ quan này quán triệt toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ kiên quyết không để xảy ra trường hợp công chức, viên chức của đơn vị có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Yêu cầu khác là các đơn vị kịp thời báo cáo xem xét, xử lý nghiêm công chức, viên chức, người lao động có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Tổng cục và pháp luật nếu để xảy ra các vụ việc vi phạm tại đơn vị phân công phụ trách.