Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục

Với sự tác động không nhỏ của các biểu hiện đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều lỗ hổng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm.
Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm.

Ngày 7/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Đảng ủy Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố có 58 cơ sở giáo dục đại học, 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 2.341 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông chuyên biệt.

Số lượng đảng viên trong nhà trường là 36.837 đảng viên; trong đó, cán bộ, nhân viên là 7.059 đảng viên; giảng viên, giáo viên là 26.536 đảng viên; sinh viên là 3.188 đảng viên và học sinh là 54 đảng viên.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các cơ sở giáo dục là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức là thầy, cô giáo và đặc biệt đông đảo học sinh, sinh viên, những người chủ tương lai của thành phố và đất nước.

Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phát biểu tại tọa đàm.

Xác định công tác chính trị tư tưởng trong cơ sở giáo dục đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, trong thời gian qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo để nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị đối với công tác này.

Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy các trường học chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị trong học sinh, sinh viên thông qua công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng trong học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội trong trường học, từng bước củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

“Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao bản lĩnh chính trị, truyền thống cách mạng, ý thức đạo đức, trách nhiệm công dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí-Xuấn bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua gần 20 năm thực hiện đã có sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, có tác động rất tích cực đến học sinh, sinh viên. Điều này thể hiện qua việc học sinh, sinh viên được nghiên cứu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh một cách bài bản, căn cơ hơn.

Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục ảnh 2

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tuy nhiên, trên thực tế, với sự tác động không nhỏ của các biểu hiện đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên, trong đó, có học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp với những mức độ ngày càng trầm trọng. Quan hệ thầy trò có dấu hiệu suy thoái, tinh thần “tôn sư trọng đạo” không được thể hiện rõ nét.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải

Cùng với đó, lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội mà còn là mối nguy về sức khỏe và sự phát triển của giống nòi... Những điều đó diễn ra từng ngày từng giờ.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và công nhân viên ở các cơ sở giáo dục; Đổi mới phương thức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục; vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục, trường học.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về sinh hoạt chính trị, tư tưởng của các đảng bộ, chi bộ và các đoàn thể trong nhà trường; cải tiến nội dung giáo trình và phương pháp giảng dạy để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục các môn lý luận chính trị; công tác cung cấp thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước cho giáo viên, học sinh, sinh viên; công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, giảng viên và sinh viên…