Trong các ngày, từ 1 đến 3-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiến hành Hội nghị tổng kết năm học 2004-2005 và triển khai nhiệm vụ năm học mới. Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị. Cùng dự, có các vị: Trần Ðình Hoan, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, Tô Huy Rứa, Ủy viên T.Ư Ðảng, Giám đốc Học viện.
Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư T.Ư Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh biểu dương những thành tích của học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố; đánh giá cao những đổi mới về phương pháp giảng dạy, quản lý học viên; công tác nghiên cứu đã chú trọng cả nghiên cứu lý luận cơ bản và tổng kết thực tiễn của học viện; các trường chính trị tỉnh, thành phố đã đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ với quy mô và chất lượng ngày càng nâng cao. Tổng Bí thư cũng chỉ ra một số hạn chế và bất cập của Học viện.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế cùng những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh chỉ rõ: Trước hết, Ðảng phải có tầm trí tuệ cao, trình độ tư duy lý luận đủ sức giải đáp đúng đắn, sáng tạo các vấn đề của đất nước và thời đại. Trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng không ngừng phát triển sáng tạo lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, làm căn cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách, chỉ dẫn hoạt động thực tiễn, tạo nên sự thông suốt và nhất trí cao trong Ðảng và trong xã hội, tiến hành đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Ðồng thời, phải thường xuyên xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của hệ thống chính trị các cấp, thật sự vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, có trí tuệ và năng lực tương xứng với yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới. Thực tế cho thấy, hiệu quả lãnh đạo và uy tín của Ðảng tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng là kết quả tổng hợp của công tác xây dựng Ðảng trên tất cả các mặt, với nhiều công việc cụ thể, trong đó bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là những vấn đề vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tham gia rất trực tiếp vào những nhiệm vụ quan trọng này của Ðảng.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nghị quyết này thể hiện sự đánh giá cao của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Ðảng đối với vai trò của hệ thống các cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ðảng. Các cán bộ của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố sẽ nghiên cứu sâu và bàn biện pháp tổ chức thực hiện nghị quyết này gắn với việc tiếp tục quán triệt Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới và tiếp thu Nghị quyết Ðại hội toàn quốc lần thứ X của Ðảng sẽ học tập trong năm tới. Tổ chức quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn mới phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ðể thực hiện tốt các nghị quyết của Ðảng, trước hết cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc vai trò, chức năng của học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trong công tác xây dựng Ðảng cũng như trong hoạt động lãnh đạo của Ðảng. Trung ương Ðảng đã khẳng định rõ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội; là trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu các khoa học chính trị góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Như vậy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là công cụ tổ chức quan trọng và là một trong những trung tâm công tác tư tưởng - lý luận lớn của Ðảng.
Các trường chính trị tỉnh, thành phố đảm nhiệm chức năng hết sức quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp cơ sở. Công việc đào tạo cán bộ của học viện và các trường chính trị có tầm quan trọng đặc biệt, từ mục tiêu đến chương trình, nội dung và phương thức đào tạo đều phải bám sát yêu cầu cung cấp cho cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân ở các cấp những cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ những phẩm chất và năng lực cần thiết xứng đáng là những người lãnh đạo chính trị, những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Ðảng trong thế kỷ XXI.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị có sứ mệnh rất vẻ vang, nhưng cũng phải gánh vác những nhiệm vụ rất nặng nề. Ðảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ và luôn đặt đòi hỏi cao đối với các đồng chí. Từng cán bộ, công chức công tác tại học viện và các trường chính trị, từ người lãnh đạo đến mỗi giảng viên, cán bộ nghiên cứu, nhân viên phục vụ cần luôn ý thức đầy đủ về yêu cầu của Ðảng, của cách mạng đối với cơ quan, đơn vị mình để luôn cố gắng ở mức cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố phải xây dựng quyết tâm lớn và kế hoạch cụ thể đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật lên ngang tầm những đòi hỏi mới của sự nghiệp cách mạng.
Trong công tác đào tạo, nhất là đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, học viện và các trường chính trị cần bám sát quy hoạch cán bộ của các ngành, các địa phương, đào tạo đúng người, coi trọng chất lượng. Chương trình và nội dung đào tạo phải giúp người học nắm vững lý luận Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Ðảng và chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực; có tầm nhìn xa và tư duy chiến lược; nắm vững khoa học và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; am hiểu tình hình thực tiễn trong nước và thế giới; tiếp cận được những thành tựu khoa học hiện đại; có đủ khả năng vận dụng lý luận, đường lối vào giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn; đủ sức phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch; có tính đảng và đạo đức cách mạng cao.
Việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo phải vừa bảo đảm tính khoa học, tính cơ bản và tính hệ thống, vừa phải tăng tính hiện đại, tính thực tiễn và tính thực hành. Từng bước áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại và học tập theo phong cách nghiên cứu, tự học là chính, nhằm phát huy cao độ tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Tăng cường mời các cán bộ lãnh đạo, các chuyên gia giỏi ở các ngành và các cơ quan khoa học đến giảng bài, báo cáo, cùng thảo luận với học viên. Nhà trường phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng quản lý chặt chẽ, theo dõi sát sao và tạo điều kiện để học viên học tập và rèn luyện tốt...
Tổng Bí thư nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ của học viện về công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và nhiệm vụ tham gia xây dựng dự thảo các văn kiện Ðại hội X của Ðảng.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Ðình Hoan nhấn mạnh chức năng, vị trí, yêu cầu mới đối với Học viện, đồng thời lưu ý công tác đào tạo bồi dưỡng của học viện cần bám sát mục tiêu, yêu cầu định hướng của chiến lược cán bộ của Ðảng gắt kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Hội nghị cũng giới thiệu các chuyên đề về: Tổng kết 20 năm đổi mới; một số vấn đề tư tưởng - lý luận hiện nay; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 - 2010.
Hội nghị đã xác định các đề án, chương trình triển khai những đề án, quyết tâm thực hiện hiệu quả ba vấn đề lớn trong thời gian tới là: Xây dựng đội ngũ cán bộ; đổi mới giáo trình đào tạo; công tác nghiên cứu khoa học- phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời góp phần xây dựng đường lối chính sách của Ðảng; đấu tranh chống các quan điểm của các thế lực thù địch.
LÊ MẬU LÂM