Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là đối với thế hệ trẻ

NDO - 1 - Giải thích cho sự kém thành công của việc đấu tranh chống suy thoái, biến chất, người ta thường đổ lỗi cho mặt trái của cơ chế thị trường, do những sai lầm cá nhân hoặc cho rằng đó là tình trạng khó tránh khỏi trong quá trình hội nhập, v.v.

Nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan để có thể khắc phục tình trạng đó. Sở dĩ có sự suy thoái về chính trị, tư tưởng trước hết vì mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên không giác ngộ vững chắc về mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, không thường xuyên tự rèn luyện, tự nghiêm khắc với mình. Công tác kiểm tra, giám sát, thưởng phạt chưa nghiêm do nạn "ô dù". Ðường lối, chủ trương của Ðảng còn chưa được kịp thời thể chế hóa thành luật, thành các quy định của Nhà nước trong khi những văn bản luật pháp và những quy định đã có vẫn thiếu đồng bộ, còn nhiều kẽ hở, bất cập đã tạo điều kiện cho không ít cán bộ, đảng viên cố tình lợi dụng những khe hở này để "lách" luật, vụ lợi cá nhân, làm giàu bất chính. Chính sách tiền lương không thỏa đáng, không bảo đảm mức sống bình thường của cán bộ, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực và suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên...

 Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng đó là chúng ta chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên. Từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 (khóa IX), Ðảng đã chỉ rõ điều này: "Công tác giáo dục tư tưởng chính trị vẫn chậm đổi mới về nội dung, hình thức; tính thuyết phục, tính chiến đấu và hiệu quả chưa cao... Công tác giáo dục đạo đức, lối sống chưa thường xuyên, liên tục, có mặt bị buông lỏng, xem nhẹ; tự phê bình và phê bình vẫn là khâu yếu, ít chuyển biến" (1).

 2 - Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Ðảng xác định là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Nói chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng không có nghĩa coi những lý luận khoa học và cách mạng đó là những gì đã được "đóng khung", bất biến. Không được biến học thuyết này thành những giáo điều mà phải coi đó là phương pháp để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

 Mặc dù vậy, việc giáo dục chính trị, tư tưởng vẫn làm theo lối cũ với quy trình hầu như không có gì thay đổi: Học tập qua tài liệu (với phương pháp chính là thuyết giảng), viết thu hoạch (hầu như các bản thu hoạch đều giống nhau). Nội dung giáo dục đạo đức không tương xứng với thực trạng đạo đức xã hội.

 Trước sự biến động mạnh mẽ của kinh tế, xã hội tất yếu dẫn đến sự chuyển đổi thang giá trị đạo đức, chuyển đổi hệ thống giá trị cũ bằng những giá trị mới, rất cần sự đổi mới tư duy về giáo dục đạo đức, cần đổi mới tài liệu và phương cách giáo dục, tuyên truyền, đạo đức cho phù hợp để việc giáo dục có hiệu quả thực tế, không bị rơi vào bệnh hình thức và bệnh thành tích.

 Có thể thấy từ trước và cho cả đến nay, chúng ta thường hô hào chung chung về đạo đức mà chưa phân định một cách rạch ròi để từ đó hình thành những tiêu chí đánh giá cụ thể cả về phẩm chất đạo đức cốt lõi bên trong và những dạng hành vi biểu hiện bên ngoài: nhóm phẩm chất đạo đức công dân; nhóm phẩm chất đạo đức tư tưởng - chính trị; nhóm phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; nhóm phẩm chất đạo đức trong ứng xử xã hội của cá nhân... Vì vậy cần nghiên cứu và xây dựng hệ thống những tiêu chí đạo đức trong từng lĩnh vực và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên trên những cương vị cụ thể của mình (cả trong Ðảng, trong gia đình và ngoài xã hội) thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc.

 Với người phương Ðông, một tấm gương tốt có tác dụng gây dựng niềm tin hơn một trăm bài diễn văn. Và đương nhiên một tấm gương xấu có thể gây những tác hại sâu sắc trên diện rộng. Trong công tác tuyên truyền giáo dục cần đặc biệt chú trọng việc nêu những gương người tốt, việc tốt, thông qua đó mà giáo dục đạo đức lối sống. Trên tinh thần đó, Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI) của Ðảng nêu bật trách nhiệm nêu gương (đặc biệt là nêu gương về đạo đức, lối sống) của người đứng đầu. Chức vụ, vai trò, trách nhiệm càng cao càng cần nâng cao ý thức giữ gìn đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn. Ðây cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên trước Ðảng, trước dân tộc, trước nhân dân.

 Trong công tác tuyên truyền thi đua, khen thưởng, ngoài yếu tố động viên tinh thần, một vấn đề không kém phần quan trọng là cần có sự khen thưởng bằng vật chất tương xứng để những người được tuyên dương và người được tuyên truyền thấy được cả ích (về tinh thần) và lợi (về vật chất) của những việc tốt đã làm. Ðiều này cũng góp phần kịp thời động viên, phát huy, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt. Cần có sự phối hợp giữa các tổ chức Ðảng, Nhà nước kết hợp với các tổ chức xã hội và các phương tiện truyền thông để tạo ra được dư luận xã hội rộng rãi ủng hộ những người tốt, việc tốt, gây được không khí thi đua "người người làm việc tốt, nhà nhà làm việc tốt", phát huy được tinh thần gương mẫu "đảng viên đi trước, làng nước theo sau".

 Mặt khác, "xây" (cái tốt) luôn phải đi liền với "chống" (cái xấu). Tuyên truyền, giáo dục các tiêu chí, giá trị đạo đức cho cán bộ, đảng viên, đề cao các giá trị chân - thiện - mỹ luôn phải đi đôi với việc thiết lập (lại) trật tự, kỷ cương xã hội. Có những giá trị đạo đức vĩnh hằng, nhưng cũng có nhiều giá trị đạo đức thay đổi theo thời đại. Vì vậy, ngoài việc định hướng giáo dục đạo đức thông qua các quy định, Ðiều lệ Ðảng, pháp luật của Nhà nước, các chuẩn mực đạo đức mới, còn phải quan tâm nhiều hơn nữa đến các chính sách phát triển văn hóa - xã hội, phải chú trọng đến các vấn đề cụ thể của đời sống văn hóa, không vì cái lợi trước mắt mà coi thường, hoặc dung túng cho những vụ việc có tác hại lâu dài..

 3 - Thanh niên là những người quyết định tương lai của cách mạng, là người chủ tương lai của đất nước. Việc giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ có vị trí quan trọng trong việc quyết định tương lai đó. Ðiều quan trọng hơn là từ việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đó có thể lựa chọn được những cán bộ cốt cán, đủ phẩm chất và năng lực cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn sau.

 Sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời đại toàn cầu hóa, phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ đang đòi hỏi và cũng tạo điều kiện để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nói đến "chất lượng cao" là nói đến sự phát triển toàn diện, đầy đủ cả về tri thức và nhân cách. Vì vậy, bên cạnh việc tạo những điều kiện tốt nhất để thế hệ trẻ Việt Nam nhanh chóng vươn lên nắm bắt những tri thức tiên tiến của nhân loại, theo kịp trình độ phát triển của thế giới, điều không thể quên là phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và bồi đắp vốn văn hóa cho họ. Ðồng thời với việc nhất trí thông qua Nghị quyết "Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Hội nghị T.Ư 6 (khóa XI) của Ðảng nhấn mạnh nhiệm vụ: "Lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là đối với thế hệ trẻ và trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế".

 Công tác giáo dục của Ðảng với đối tượng là thế hệ trẻ hôm nay muốn có hiệu quả cần những cải cách mạnh mẽ cả về nội dung và phương pháp. Chúng ta phải đưa (được) cho thế hệ trẻ hôm nay những gì họ cần chứ không phải nhồi nhét cho họ những gì vẫn có trong giáo trình đã soạn từ mấy chục năm trước. Khi xã hội đã phát triển tới trình độ văn hóa - khoa học - công nghệ cao như hiện nay, những quan niệm cũ phải cập nhật được những nội dung mới nếu muốn chứng minh rằng nó vẫn mang những giá trị đúng đắn. Nhưng để công tác tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả còn cần phải sử dụng đa phương tiện, đa phương pháp một cách năng động, phù hợp - ngoài phương pháp thuyết giảng theo kiểu thầy đọc - trò ghi nhàm chán vẫn thường thấy hiện nay. Ngoài ra còn cần có thêm nhiều diễn đàn sinh động và bổ ích để thế hệ trẻ có thể có những kênh phản hồi tâm tư nguyện vọng và cả những băn khoăn của mình với Ðảng, với những người đã chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của Ðảng trong những giai đoạn trước.

 Bên cạnh đó, cũng có thể thấy: Kẻ thù của tính hiệu quả trong việc tổ chức giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống là hai "căn bệnh" phô trương, hình thức và quan liêu. Bệnh phô trương, hình thức làm tiêu tốn nhiều sức người (cả thể lực và trí lực), sức của (cả tiền  bạc và vật chất) vào việc tạo ra "những sự rầm rộ trong phong trào" bề nổi hơn là hiệu quả thực tế của nó trong đời sống xã hội. Bệnh quan liêu gây ra một tác hại kép: Làm cho những sự chưa phù hợp, kém hiệu quả của những hình thức, biện pháp đã được đưa ra và những sáng tạo, những nhân tố mới nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối đều không được phát hiện. Muốn nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục tuyên truyền chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cần kiên quyết loại bỏ những "căn bệnh thâm niên" này.

 NGÔ VƯƠNG ANH

 (1) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.117.