Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00

Thành phố cũng đang tập trung nguồn lực xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, xây dựng các cơ sở dữ liệu để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững… Cho nên, việc xây dựng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thành phố là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

Thực trạng hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân rất lo lắng trước việc tội phạm mạng dùng công nghệ mới để lừa đảo. Với sự bùng nổ công nghệ 4.0, tội phạm mạng có thể tạo ra một phần mềm đánh cắp dữ liệu tinh vi, phần mềm này là hoàn toàn mới và có thể vượt qua giám sát của các ứng dụng chống mã độc phổ biến hiện nay.

Trong một khảo sát về an toàn thông tin năm 2023 của Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam-Chi hội phía nam cho thấy, có 69% tổ chức, đơn vị được khảo sát có bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin; khoảng 50% tổ chức cần triển khai các chương trình đào tạo cho nhóm chuyên gia quản lý an toàn thông tin; hơn 48% cần đào tạo các kỹ thuật phòng thủ, chống tấn công; 51,3% cần đào tạo các kỹ thuật bảo vệ an toàn hệ thống và ứng dụng...

Để tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức và hành động về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân; xây dựng nguồn nhân lực hoạt động về an toàn thông tin, an ninh mạng trên địa bàn thành phố. Song song đó, bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng không gian mạng; tập trung tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh, phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc thành phố.

Trong năm nay, thành phố phấn đấu đưa tỷ lệ hệ thống thông tin cấp độ 3, 4, 5 được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ đạt tỷ lệ 80%; tỷ lệ hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt đạt 80%; tỷ lệ máy chủ, máy trạm trong cơ quan nhà nước cài đặt phòng chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đạt 100%; tỷ lệ các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước có phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng đạt 100%.

Đến năm 2025, thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ hệ thống thông tin cấp độ 3, 4, 5 được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt đạt 100%; tỷ lệ IP botnet trong cơ quan nhà nước được phát hiện, cảnh báo và xử lý, loại bỏ mã độc đạt 100%...

Trong thế giới phẳng ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức trong môi trường số trở nên đặc biệt quan trọng, và nó mang tính quốc tế không còn biên giới. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ gây mất an toàn thông tin mạng và bảo vệ tốt hệ thống thông tin, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và triển khai hiệu quả các giải pháp kỹ thuật bảo vệ an toàn thông tin mạng.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ an toàn thông tin của thành phố. Đồng thời, xem công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.