Nội dung chính này được các quốc gia ASEAN thống nhất tại Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN với chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người” diễn ra ngày 24/11, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hội nghị do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Sau phiên khai mạc có sự tham dự của Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Hội nghị tiến hành họp phiên toàn thể do Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Phương Hòa chủ trì, bà Siti Norkhalbi binti Haji Wahsalfelah, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Brunei Darussalam phó chủ trì.
Tham dự hội nghị có các đại biểu từ các bộ, cơ quan phụ trách văn hóa, thông tin các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Liên đoàn quốc tế các hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hóa (IFACCA).
Bà Nguyễn Phương Hòa và bà Siti Norkhalbi binti Haji Wahsalfelah chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
Đánh giá lại hợp tác của ASEAN, trên cương vị Chủ tịch Hội nghị, bà Nguyễn Phương Hòa cho rằng, đoàn kết là yếu tố quyết định làm nên thành công của ASEAN và là sức mạnh để ASEAN giữ vững ổn định trong bối cảnh có nhiều thách thức hiện nay. Theo Chủ tịch Hội nghị Nguyễn Phương Hòa, trong thực tế, càng đối mặt với khó khăn, ASEAN càng cần phát huy tinh thần "Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng", cùng kề vai, sát cánh và chủ động ứng phó mọi thách thức.
Để triển khai các nhiệm vụ về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 đã được lãnh đạo các nước ASEAN đề ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41, bà Nguyễn Phương Hòa đề nghị Hội nghị cùng nhau trao đổi chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người”, đưa ra những sáng kiến nhằm tạo nên bứt phá mới trong hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN, với phương châm lấy người dân là trung tâm, dành sự quan tâm thỏa đáng tới mọi nhóm xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bảo đảm thụ hưởng công bằng của mọi người dân, tạo thành sức mạnh cộng hưởng và động lực phát triển cho toàn khu vực.
Trên cơ sở sáng kiến của Việt Nam, chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người”, đã được Hội nghị tập trung thảo luận, đưa ra nhiều sáng kiến nhằm tiếp tục có những định hướng, đề ra các biện pháp gắn kết chuyển đổi số trong hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN, trong đó lấy con người làm trung tâm và tạo cơ hội công bằng cho mọi đối tượng người dân của khu vực tiếp cận với nền công nghệ số.
Trong lĩnh vực thông tin, Hội nghị trao đổi, thống nhất các nhiệm vụ ưu tiên hợp tác triển khai trong giai đoạn tới nhằm tập trung và tận dụng nguồn lực để đạt được hiệu quả hợp tác tốt hơn trong lĩnh vực thông tin, thảo luận các ưu tiên thời gian tới. Hội nghị đã nhất trí thông qua các dự án, chương trình bao gồm đồng sản xuất chương trình phát thanh truyền hình, trao đổi các đoàn phóng viên, truyền thông nâng cao nhận thức Bản sắc ASEAN, chương trình trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số về báo chí, phát thanh truyền hình trong khu vực và tổ chức Diễn đàn ASEAN về phòng chống tin giả.
Trưởng đoàn Việt Nam Trần Hải Vân (giữa) đóng góp các ý kiến thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
Tại Hội nghị, thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên ASEAN, đoàn Việt Nam chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến thảo luận các nội dung về hợp tác văn hóa, thông tin ASEAN, giữa ASEAN với các nước đối thoại. Trên cương vị quốc gia điều phối hợp tác ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024, đoàn Việt Nam đã cập nhật tiến độ các dự án hợp tác trong khuôn khổ ASEAN-Hàn Quốc về văn hóa, thông tin.
Trao đổi về chủ đề của Hội nghị, bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cập nhật các thông tin, số liệu liên quan đến chuyển đổi số tại Việt Nam.
Tính đến tháng 1/2022, khoảng 70,3% dân số Việt Nam dùng Internet; Việt Nam xếp thứ 13 trên thế giới về sử dụng mạng xã hội; mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số. Về an toàn an ninh mạng, Việt Nam tăng 25 bậc, vươn lên vị trí 25 trên tổng số 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 7 tại châu Á-Thái Bình Dương và đứng thứ 4 trong ASEAN.
Chia sẻ về áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa, bà Trần Hải Vân cho biết, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Việt Nam năm 2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, lần đầu tiên trong 75 năm qua, Việt Nam đã đề ra yêu cầu cần xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để triển khai chuyển đổi số, Việt Nam đã chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia và thiết lập Cổng chuyển đổi số quốc gia.
Đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa của Việt Nam, tại Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam đã chia sẻ, đến nay, Việt Nam có có một số dự án, đề án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Các dự án điển hình như xây dựng nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là “trái tim” về dữ liệu số, Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Cùng với đó, với kho tàng di sản rất đồ sộ. Thời gian tới các dữ liệu sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để vừa phát huy giá trị, vừa phục vụ công tác bảo tồn.
Đoàn đại biểu Lào tại Hội nghị. (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
Nhằm đạt hiệu quả về công tác chuyển đổi số trong hợp tác văn hóa, thông tin theo chủ đề của Hội nghị, bà Trần Hải Vân đề nghị các nước thành viên ASEAN thường xuyên hợp tác, chia sẻ thông tin, cập nhật về chính sách, lộ trình, chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường các dự án hợp về số hoá trong lĩnh vực văn hoá, thông tin đặc biệt là di sản văn hoá, điện ảnh, thư viện, phát thanh truyền hình; thúc đẩy hơn nữa các chương trình dự án hợp tác trong ASEAN và ASEAN với các nước đối thoại về nâng cao năng lực, chia sẻ kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Đoàn Singapore phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) |
Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin cũng đã xem xét và thông qua các dự án hợp tác triển khai trong năm 2023 về lĩnh vực văn hóa, thông tin ASEAN do Tiểu ban Văn hóa ASEAN và Tiểu ban Thông tin ASEAN đề xuất. Đối với lĩnh vực văn hóa, Hội nghị xem xét, thông qua các chương trình, dự án triển khai thời gian tới, điển hình như Hội nghị lần thứ 24 Tiểu ban Văn hóa ASEAN tại Myanmar năm 2023, Chương trình biểu diễn nghệ thuật ASEAN 2023, Diễn đàn các doanh nghiệp ASEAN thân thiện với môi trường, Chương trình thúc đẩy lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ASEAN trong bối cảnh hậu Covid-19, hội thảo ASEAN về giới thiệu quảng bá ẩm thực, chương trình biểu diễn các nhạc cụ đồng của ASEAN, chương trình quảng bá văn hóa nói không với đồ nhựa…
Hội nghị đã rà soát tiến độ triển khai các dự án hợp tác ASEAN với các nước đối thoại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Italia… về bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể và vật thể và dự án triển khai nền tảng truyền thông, văn hóa, nghệ thuật nhằm nghiên cứu và phát triển Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN. Hội nghị cũng thống nhất các giai đoạn triển khai tiếp theo một số dự án hợp tác thuộc cơ chế ASEAN+3, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản về giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật…
Việc tổ chức Hội nghị lần này và các nội dung trao đổi, thống nhất tại Hội nghị cho thấy, vai trò quan trọng của hợp tác văn hóa, thông tin trong việc thúc đẩy đoàn kết, hữu nghị trong hợp tác và gắn kết khu vực ASEAN, đồng thời nhấn mạnh cần tận dụng và phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN trong hoạt động của ASEAN thời gian tới.
Theo cơ chế luân phiên ASEAN, Brunei Darussalam là quốc gia chủ trì Hội nghị lần thứ 58 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN năm 2023. Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa-Thông tin ASEAN Nguyễn Phương Hòa đã chuyển giao vai trò Chủ tịch cho bà Siti Norkhalbi binti Haji Wahsalfelah, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thanh niên và Thể thao Brunei Darussalam.