80% bệnh nhân mắc Covid-19 được cho là không hề có triệu chứng, hoặc nếu có sẽ ở tình trạng rất nhẹ trong đợt dịch thứ tư này. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã có triệu chứng, các diễn biến vô cùng nhanh chóng. Có bác sĩ xót xa nói: “Diễn biến nhanh tới mức các bác sĩ không kịp trở tay”.
“Lỗ hổng” tại các bệnh viện tầng 2 điều trị bệnh nhân Covid-19
Rất nhiều bệnh nhân khi mới vào viện vẫn tỉnh táo nhưng tình trạng bệnh diễn biến rất khó lường. Mặc dù trên lâm sàng, tổn thương phổi, bão hòa ô-xy máu giảm đi, nhưng bệnh nhân không có cảm giác khó chịu.
“Có người khăng khăng đòi tự đi vệ sinh. Trong khi họ không biết, họ có thể gục tử vong trong nhà vệ sinh vì không còn thở được vì phổi đã trắng xóa”, một bác sĩ nói. Vì thế, rất nhiều trường hợp khi nặng nhanh đã không giữ được tính mạng.
Thời gian qua, Bộ Y tế tập trung phần lớn nhân lực tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại cho các Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Và các bệnh viện tuyến Trung ương “đóng quân” tại đây còn có thêm nhiệm vụ chi viện về mặt chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến 2 vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Cơ sở vật chất tại đây không bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn, chủ yếu được trưng dụng từ các ký túc xá, trường học.... Thiếu nhân lực chuyên hồi sức, không có máy chụp X-quang, siêu tâm tim, không có hệ thống xét nghiệm là một thực trạng ở nhiều bệnh viện dã chiến.
Thậm chí, một số nơi vì quá tải nên cho người nhà vào chăm sóc, nhưng những người này không mặc đồ bảo hộ, chỉ đeo khẩu trang, chấp nhận việc mình có thể bị lây nhiễm. Nhiều chuyên gia về truyền nhiễm nhấn mạnh, nguy cơ lây nhiễm rất cao trong khu điều trị chính từ những việc không tuân thủ này.
Nhân lực là một bài toán khó tại các tuyến điều trị này, khi mọi nhân lực tinh nhuệ nhất đang được dồn cho tầng 3 chuyên về hồi sức tích cực ca nặng, nguy kịch. Rất nhiều y, bác sĩ chi viện cho tuyến này nhưng không phải là những người có chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu…
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc các bác sĩ đông y, da liễu, phụ sản, phục hồi chức năng cũng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 là tình trạng bất đắc dĩ. Họ không có kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng nên không thể tiên lượng được hết tình trạng bệnh nhân.
Là bệnh viện dã chiến đã điều trị cho 1.200 bệnh nhân thời gian qua, đại diện Bệnh viện quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết, số bệnh nhân đã giảm gần đây và năng lực điều trị cũng đã được tăng cao hơn trước nhờ sự chi viện, "cầm tay chỉ việc" của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai.
“Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ chúng tôi 5 máy thở chất lượng cao, cử các bác sĩ xuống hỗ trợ nên có những hướng chỉ định điều trị phù hợp hơn cho người bệnh”, đại diện Bệnh viện dã chiến quận 7 nói.
Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều khó khăn ở bệnh viện điều trị tầng 2 do đội ngũ bác sĩ tại đây còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt kinh nghiệm hồi sức cấp cứu để phát hiện và can thiệp tình trạng nặng của bệnh nhân kịp thời.
Khó khăn chồng chất khó khăn, các y, bác sĩ chỉ biết nỗ lực hết sức mình để làm sao giảm thấp nhất trường hợp diễn biến nặng. Nhưng muốn giảm bằng con số thực tế, đòi hỏi phải có một chiến lược.
“Cầm tay chỉ việc”, nâng cao năng lực điều trị cho tầng 2
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Việt Đức, thời gian qua, các thầy thuốc tại đây cũng phát huy thế mạnh đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cũng như chuyển giao các kỹ thuật cao về hồi sức tích cực như lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ... cho các cơ sở y tế của huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.
Song song với việc hội chẩn các ca bệnh nặng của các bệnh viện các tuyến, các thầy thuốc của bệnh viện đã đến tận nơi khảo sát tình hình các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm san sẻ khó khăn của các đồng nghiệp và góp phần điều trị người bệnh từ đầu, giảm tải cho tuyến trên.
Thời gian qua, bệnh viện đã trao tặng 645 máy tạo ô-xy cho các đơn vị, cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh gồm có: 130 máy tạo ô-xy cho UBND huyện Củ Chi, 185 máy tạo ô-xy cho Trung tâm Y tế quận Bình Tân, 100 máy tạo ô-xy cho UBND Quận 1, 130 máy tạo ô-xy cho UBND huyện Bình Chánh.
Trong ngày 10/9, bệnh viện tiếp tục trao tặng 80 máy tạo ô-xy cho Sở Thông tin và truyền thông của TP Hồ Chí Minh và 20 máy tạo ô-xy cho xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, một trong những chiến lược khi thành lập Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh là ngoài điều trị bệnh nhân nặng còn chi viện về trang thiết bị y tế và cử các bác sĩ, điều dưỡng xuống “cầm tay chỉ việc” cho 10 bệnh viện vệ tinh đang điều trị bệnh nhân ở tầng 2.
“Khi các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu hơn, được cung cấp đủ thuốc, vật tư thì sẽ cải thiện được tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng”, GS Tuấn khẳng định.
Trong phác đồ điều trị hướng dẫn cho tuyến 2, Bệnh viện Bạch Mai luôn nhấn mạnh đến các yếu tố nguy cơ trong 5-10 ngày đầu nhiễm bệnh. Có những người tiến triển nặng trong 1 ngày, thậm chí vài tiếng, trở tay không kịp. Do đó, các bác sĩ cần có sự quyết đoán, tiên lượng sớm hơn để cứu chữa, giảm tỷ lệ tử vong.
Đặc biệt, trong đợt dịch thứ tư, 80% bệnh nhân nặng có bệnh nền đái tháo đường, suy tim, phổi, đặc biệt thừa cân, béo phì, nguy cơ tử vong cao nên cần đặc biệt theo dõi sát sao đối tượng này.
Vì thế GS Tuấn cho rằng, thay vì tập trung nhiều người và trang thiết bị vào điều trị tầng 3, chiến lược điều trị tốt nhất bây giờ là đầu tư, hỗ trợ cho tầng 2. Ngoài phải bảo đảm có những trang thiết bị hỗ trợ cho chẩn đoán lâm sàng để phát hiện yếu tố nguy cơ, cần phải nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến 2 điều trị.
Theo đó, tại tầng 2, các bệnh nhân khi có triệu chứng nhẹ cần phải được bảo đảm điều trị bằng thuốc kháng virus, sử dụng phương tiện theo dõi thật chặt bệnh nhân. “Tối thiểu tại các cơ sở này là phải có máy chụp X-quang, siêu âm tim phổi, máy đo nồng độ ô-xy… để khi có những diễn biến nặng, phải chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên mới có cơ hội cấp cứu hồi sức kịp thời. Nếu nặng, khó thở, phổi đã bị tổn thương thì việc chuyển lên tuyến 3 hầu như không làm được gì nữa”, BS Tuấn nói.
GS Tuấn đề nghị các bệnh viện ở tầng 2 cần phải đánh giá lại tổng thể để bảo đảm cơ sở vật chất, bổ sung thêm nhân lực, đào tạo chuyên sâu, bổ sung thuốc men. Những bệnh viện dã chiến tầng 2 không bảo đảm, đặc biệt bảo đảm phòng chống lây nhiễm chéo cần phải tính toán lại.