Buổi sáng ngày cuối tuần, tại góc đường Lê Quang Ðịnh đối diện chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), từ một chiếc xe tải đưa xuống nhiều loại hàng hóa, từ rau, củ, quả, trái cây đến thịt, cá… Các nhân viên nhanh chóng bày hàng lên bàn, treo bảng giá; bên ngoài, người dân đã xếp hàng sẵn chờ vào mua. Ðó là chuyến xe bán hàng lưu động do Trung tâm thương mại Aeon phối hợp thành phố tổ chức đưa thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng tại khu dân cư. Phần lớn các loại hàng hóa đều đã được đóng gói, bán theo hộp hoặc ký, người dân lấy hàng cho vào giỏ, không phải lựa chọn, cân đong cho nên thời gian mua và thanh toán chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Mỗi khách hàng được mua một lượng thực phẩm nhất định nhằm bảo đảm cho mọi người đều có thực phẩm tươi sống để dùng. Tại các điểm bán đều được treo băng-rôn, niêm yết giá cụ thể. Giá bán các mặt hàng trong danh mục bình ổn thị trường phải thấp hơn, hoặc bằng với giá bán của chương trình.
Tại nhiều khu vực ở các quận, huyện, TP Thủ Ðức cũng đã có những điểm bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu người dân. Quận Tân Phú có tất cả sáu chợ truyền thống đều đóng cửa do có ca mắc Covid-19, địa phương này đã tổ chức bảy điểm bán hàng bằng xe lưu động tại các khu dân cư. Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phạm Công Chánh cho biết, chính quyền địa phương bố trí địa điểm, sắp xếp và kiểm soát việc bán hàng bảo đảm thực hiện việc phòng, chống dịch. “Chúng tôi tăng cường bán hàng lưu động các loại thực phẩm xanh, rau, củ, thịt, cá… tươi sống; tập trung điểm bán hàng ở các khu vực đông dân cư. Hằng ngày, UBND 11 phường của quận đăng ký các điểm bán hàng lưu động nhằm góp phần giảm tình trạng quá tải cho hệ thống siêu thị, chợ và tăng thêm nguồn thực phẩm cho người dân”, đồng chí Phạm Công Chánh nói…
Thành phố còn phối hợp nhiều doanh nghiệp (DN) mở thêm các điểm bán lương thực, thực phẩm. Các bưu cục, điểm bưu điện - văn hóa xã thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post); hệ thống các điểm giao dịch của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã trở thành điểm bán rau, củ, quả và các mặt hàng tiêu dùng khác. Hiện tại đã có 68 điểm của Viettel Post; 22 điểm của VN Post ở 18 quận, huyện trên địa bàn cung cấp vài chục tấn hàng hóa đầu tiên. Nguồn rau, củ, quả được mua từ Lâm Ðồng và các tỉnh phía bắc, bán theo giá tham khảo trong chương trình bình ổn thị trường của thành phố.
Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, sở sẽ kết hợp nhiều DN đưa vào hoạt động thêm 1.000 điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân. Ngoài ra, Sở Công thương còn huy động bảy công ty logistics hoạt động độc lập với các điểm bán có công suất 1.000 tấn để “nhanh chóng bình ổn” giá thực phẩm tại các chợ truyền thống. Sở cũng đã làm việc với các kênh bán hàng qua mạng như Tiki, Lazada, Sendo để thống nhất bán rau, củ, quả trên sàn thương mại điện tử và sử dụng chính kho hàng của các đơn vị này…
Cùng với đó, thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra giá cả, nguồn gốc hàng hóa tại nhiều cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm. Cục trưởng Quản lý thị trường thành phố Trương Văn Ba cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên tục kiểm tra, rà soát các mặt hàng đang “nóng” như vật tư y tế, tân dược, rau, thịt... Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm; đồng thời công khai niêm yết số điện thoại đường dây nóng 028.39322491 để người dân, siêu thị phản ánh tình trạng nâng giá, hoặc gom hàng ra ngoài bán kiếm lời.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, khi tổ chức bán hàng lưu động, Sở Công thương thành phố và các nhà cung cấp cần khớp nối với nhu cầu thực phẩm của người dân tại từng địa bàn để tránh nơi thừa, nơi thiếu. Nếu tăng năm, bảy điểm bán hàng lưu động nhưng không phù hợp nhu cầu của người dân tại đó thì cũng không giải quyết hiệu quả việc cung ứng hàng hóa. Tất cả phải hướng đến mục tiêu bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhưng phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch.