Đây chính là minh chứng cho sự cam kết của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh khi thực thi chiến lược Đại học đa ngành và bền vững, lấy nền tảng tri thức để giải quyết các thách thức xã hội và tạo ra tác động tích cực thông qua hoạt động học thuật.
Bảng xếp hạng các Đại học thế giới về bền vững do Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Vương quốc Anh triển khai lần đầu tiên vào năm 2022.
Đây là bảng xếp hạng nêu bật những cách thức khác nhau mà các cơ sở giáo dục trên thế giới đang hành động để giải quyết các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Trong đó, các tiêu chí xếp hạng gồm: Tác động môi trường (45%), Tác động xã hội (45%) và Quản trị (10%).
Đồng thời, để đủ điều kiện tham gia bảng xếp hạng này, các cơ sở giáo dục phải được xếp hạng trong bảng xếp hạng Đại học thế giới QS, xếp hạng QS trong khu vực hoặc QS theo chủ đề.
UEH cam kết hành động bền vững thông qua 5 trụ cột chiến lược. |
Là đại học đầu tiên tại Việt Nam công bố theo đuổi chiến lược Đại học đa ngành và bền vững, năm 2023, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tham gia bảng xếp hạng QS World Ranking Sustainability 2024 và đạt kết quả khả quan ngay trong lần đầu tiên tham gia, tốp 860 thế giới (trên tổng số 1.403 cơ sở giáo dục), tốp 234 châu Á (trên tổng số 478 cơ sở) và tốp 3 Việt Nam.
Năm nay, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng hạng trên bảng xếp hạng QS World Ranking Sustainability 2025: Tốp 650 thế giới với vị thứ 653, tốp 162 châu Á, tốp 3 Việt Nam.
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vào Top 501-600 đại học thế giới
Đáng chú ý, bảng xếp hạng năm nay ghi nhận sự gia tăng về số lượng tham gia với sự góp mặt của 1.751 cơ sở giáo dục thế giới. Trong đó, có 661 cơ sở giáo dục châu Á và 10 cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
Như vậy, kết quả tăng hạng của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy nội lực mạnh mẽ và quyết tâm hành động bền vững của nhà trường gắn với 5 trụ cột chiến lược: đào tạo, nghiên cứu, quản trị, vận hành, kết nối cộng đồng.
Người học tại UEH được định hướng trở thành những công dân toàn cầu, hành động vì sự phát triển bền vững. |
Về trụ cột đào tạo, trong 3 năm qua, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mở mới 13 chương trình đào tạo đa ngành đáp ứng xu thế hiện đại và nhu cầu nhân lực cho thế hệ tương lai, như: Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện, Kế toán tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, Công nghệ tài chính (Fintech), Công nghệ Marketing (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI)…
“Những định hướng chiến lược của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trên chặng đường gần 50 năm hình thành và phát triển luôn kiên định với các mục tiêu phát triển bền vững, cân bằng giữa các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Kết quả mà Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đạt được hôm nay là minh chứng cho sự cam kết kiên trì trong chiến lược phát triển đa ngành và hành động bền vững, giai đoạn 2021-2030”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.