Tận dụng rơm rạ để sản xuất các sản phẩm OCOP chất lượng cao

NDO - Từ ý tưởng tận dụng rơm rạ, hợp tác xã (HTX) nấm Tuấn Hiệp ở Nam Định đã trở thành điểm sáng về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, với doanh thu hằng năm hơn 2 tỷ đồng và 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao gồm nấm sò nâu, nấm sò trắng, mộc nhĩ thái sợi, nấm linh chi, nem nấm, giò nấm. Câu chuyện của họ là nguồn cảm hứng cho nhiều nông dân và doanh nghiệp khác.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp đang đóng gói sản phẩm nấm.
Công nhân Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp đang đóng gói sản phẩm nấm.

Chúng tôi có dịp tới thăm HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (gọi tắt là HTX nấm Tuấn Hiệp) ở xóm 9, xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, nơi đang là một điểm sáng trong việc áp dụng sáng tạo khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đơn vị được thành lập từ năm 2014 với 8 thành viên tham gia và sau quá trình xây dựng và phát triển, hiện tại HTX đang hoạt động với 15 thành viên.

Các thành viên của HTX chủ yếu làm việc trong ngành nông nghiệp. Họ thấy được giá trị kinh tế của nấm lớn hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng nông nghiệp khác. Đồng thời tận dụng được nguồn rơm rạ dư thừa ở địa phương-vốn thường bị người dân đốt bỏ sau mỗi vụ mùa và gây ô nhiễm môi trường làm nguyên liệu chính để sản xuất các loại nấm có giá trị kinh tế cao.

Tận dụng rơm rạ để sản xuất các sản phẩm OCOP chất lượng cao ảnh 1

Sản phẩm nấm HTX Tuấn Hiệp tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch văn hóa địa phương năm 2024.

Điều đặc biệt ở HTX nấm Tuấn Hiệp là cách họ biến "rác thành vàng". Ông Vũ Tuấn Hiệp, 44 tuổi, Giám đốc HTX chia sẻ: "Về quê, thấy nguồn rơm rạ sẵn có tại địa phương bị dư thừa quá nhiều, lại thường đem đốt gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Với việc làm nấm, chúng tôi đã tận dụng được lượng rơm rạ bỏ đi".

Ông Hiệp đã cùng những thành viên của HTX kêu gọi bạn bè, gia đình, người thân vay vốn để xây dựng trang trại nấm. Họ còn đi đến nhiều nơi khác học hỏi cách trồng nấm, đến thăm nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu để từng bước xây dựng HTX.

Hiện tại, diện tích sản xuất của HTX nấm Tuấn Hiệp là 3.000 m2 vuông. HTX đã có 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao được tỉnh Nam Định công nhận là nấm sò nâu, nấm sò trắng, mộc nhĩ thái sợi, nấm linh chi, nem nấm, giò nấm được công nhận vào năm 2021. Ngay trong năm nay, HTX đã đưa ra thị trường khoảng 50 tấn nấm các loại. Giá bán trung bình của mỗi loại nấm dao động từ 35-40 nghìn đồng/1kg; còn nem nấm và giò nấm có giá từ 150-200 nghìn đồng/1kg.

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc HTX nấm Tuấn Hiệp cho biết: Để có được những sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường thì quy trình trồng nấm tại HTX được thực hiện một cách khoa học và hiện đại. Từ việc chuẩn bị nguyên liệu, chăm sóc trong quá trình nấm phát triển đến việc kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, mọi công đoạn đều phải cẩn thận.

Nguyên liệu để trồng nấm là 80% rơm rạ và 20% mùn cưa cao su hoặc các vụn keo là những cây thân gỗ mềm không có độc tố. Tất cả nguyên liệu đều ở trạng thái khô và được thêm nước vôi với tỷ lệ khoảng 0,01%. Quá trình đào ủ nguyên liệu sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng đến khi đạt được độ ẩm khoảng 70%, các nguyên liệu thấm đều và tỏa ra mùi thơm dễ chịu thì lúc đó mới tiến hành cho vào máy đóng. Các túi nguyên liệu sau khi được đóng khô gọi là bịch phôi sẽ được hấp thanh trùng ở nhiệt độ 90-100 độ C, thời gian khoảng từ 10-12 giờ. Sau khi khử trùng, các bịch phôi phải có mùi thơm, không bị chua do lên men sẽ được để nguội và tiến hành cấy giống.

Khi cấy giống vào thì đưa bịch phôi nấm vào nhà trồng nấm, đặt các bịch phôi chồng lên nhau trên giàn kệ. Khoảng 3 ngày sau sẽ xuất hiện các chân giống lan trắng bịch phôi, có sợi phát triển từ đầu đến cuối bịch thì rạch một lỗ nhỏ, rút ra ngoài để nấm phát triển. Thời gian từ lúc đóng phôi cho đến lúc thu hoạch nấm là khoảng 3 tháng.

Tận dụng rơm rạ để sản xuất các sản phẩm OCOP chất lượng cao ảnh 2

Các sản phẩm của HTX nấm Tuấn Hiệp.

Tại HTX nấm Tuấn Hiệp, sử dụng máy móc chiếm tới 80% công đoạn trồng nấm. HTX đã đầu tư mạnh vào công nghệ, với các loại máy băm rơm, máy trộn đảo mùn cưa tự động, máy đóng bịch tự động. Họ còn ứng dụng công nghệ hiện đại như tưới sương mù, tạo độ ẩm, tăng hạ nhiệt độ để kiểm soát môi trường trồng nấm.

“Nấm không ưa nước mà chỉ ưa độ ẩm và chúng tôi có thể tùy chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp mà không phải phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài”, ông Hiệp chia sẻ. Điều này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Sự đổi mới không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, HTX nấm Tuấn Hiệp còn sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm mới và tiếp cận thị trường. Song song với trồng nấm tươi, HTX có thêm các sản phẩm chế biến như nem nấm và giò nấm. Hai sản phẩm này nhận được sự ưa chuộng của thị trường trong và ngoài tỉnh càng góp phần khẳng định giá trị về mặt thương hiệu của HTX.

Về thị trường, HTX đã mở rộng phạm vi tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Hiện nay, sản phẩm của HTX được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố như: Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Hà Nội. Hằng năm, HTX thu về lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng.

Trong quá trình sản xuất HTX đã rút ra những kinh nghiệm như mạnh dạn đầu tư cho máy móc, giảm sức người; chọn giống nấm chất lượng; tuân thủ các điều kiện thời tiết thích hợp để nấm phát triển; tìm thị trường phù hợp với sản phẩm; đa dạng các hình thức bán hàng như bán qua website, sàn giao dịch …

Ông Hiệp chia sẻ: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ đi sâu vào phần chế biến, phát triển các sản phẩm ăn liền như nem, giò, ruốc nấm… và các sản phẩm sấy khô như hạt nêm, gia vị nấm…".

Không chỉ mang đến những sản phẩm chất lượng, HTX nấm Tuấn Hiệp còn tạo công ăn việc làm cho người dân ở địa phương với mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, họ còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm với những người có mong muốn khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm hiện đại.