Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết, sau sáu năm triển khai Luật HTX năm 2012, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số HTX thành lập mới và HTX hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng; loại hình hoạt động HTX ngày càng đa dạng. Nhiều HTX có nguồn vốn tăng trưởng khá, năng lực tài chính được nâng lên; đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực ngày càng được tăng cường; số HTX, tổ hợp tác hoạt động yếu kém giảm.
Bước đầu đã xây dựng được nhiều mô hình HTX hoạt động theo chuỗi mang lại kết quả thiết thực. Các HTX đã góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều khó khăn, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng còn chậm, quy mô nhỏ bé, năng lực nội tại còn nhiều hạn chế, nhất là về năng lực quản trị, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đòi hỏi của thực tiễn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong phát triển HTX nông nghiệp theo chuỗi tại Quảng Nam và một số tỉnh miền trung, Tây Nguyên; đồng thời tập trung thảo luận, đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm giúp các địa phương tiếp cận, nhân rộng và phát triển bền vững các HTX nông nghiệp theo chuỗi, gắn với thế mạnh từng vùng và khu vực.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về mô hình HTX kiểu mới, HTX chăn nuôi gắn sản xuất, chế biến với bảo vệ môi trường. Dịp này, các đại biểu dự hội thảo còn tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các HTX nông nghiệp: Điện Quang (thị xã Điện Bàn), Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam)…
Nhiều mô hình HTX ở Quảng Nam hoạt động có hiệu quả. Trong ảnh: Cánh đồng dưa của HTX nông nghiệp Tam Phước (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đem lại hiệu quả kinh tế cao.