Không khí các cuộc gặp, làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh diễn ra trên tinh thần cởi mở, chân thành và trách nhiệm cao. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã được các bạn dành những tình cảm tốt đẹp và sự đón tiếp trọng thị. Ngoài các hoạt động chính thức của Chủ tịch Quốc hội, còn có nhiều hoạt động song phương giữa các bộ, ngành, địa phương nước ta với đối tác.
Những thành tựu lớn
Chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và hướng tới 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023. Cảm nhận qua nội dung các cuộc làm việc cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các nhà lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện, Chính phủ, cộng đồng các nhà kinh doanh, đầu tư hàng đầu, đội ngũ các trường đại học lớn nổi tiếng thế giới của bạn đều ghi nhận bước phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh nhiều năm qua. Theo đó, mối quan hệ song phương đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, phát triển mạnh mẽ, tích cực, toàn diện, thể hiện tầm vóc mới của quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh, cường quốc phát triển toàn cầu, với Việt Nam, một quốc gia ASEAN, đang phát triển, năng động tại khu vực chiến lược Đông Nam Á.
Các nhà lãnh đạo hai bên cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong Liên minh châu Âu và đứng thứ 15 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dù dịch Covid-19 khiến nhu cầu thị trường hai nước giảm đáng kể, tuy nhiên với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2021 tiếp tục tăng trưởng, đạt 6,61 tỷ USD (tăng 17,24% so với năm 2020). Điểm tương đồng của hai nền kinh tế, và các quốc gia khác trong những năm vừa qua, đó là dịch Covid-19 tác động và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế-xã hội. Mặt khác, tình hình thế giới có nhiều biến động đã tác động gián tiếp đến nền kinh tế của nhiều nước, khiến giá dầu tăng cao kéo theo nhiều sản phẩm, hàng hóa tăng theo.
Chính vì vậy, cũng như nhiều nước trên thế giới, Quốc hội, Chính phủ mỗi nước đều đặt ra những mục tiêu ưu tiên trước mắt và lâu dài, tập trung kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách, đề ra chính sách tiền tệ linh hoạt để thích ứng những thách thức, sự biến động phát sinh để phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, đề ra các chương trình, đề án, gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp hồi phục, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Song song với đó là những giải pháp hữu hiệu, được thực hiện khẩn trương, kịp thời để bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân thu nhập thấp chịu tác động của dịch Covid-19.
Dư địa lớn cho hợp tác phát triển
Tại Tọa đàm cấp cao Việt Nam-Anh về kinh tế và thương mại được đánh giá là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại song phương, một trong những trọng tâm trong chuyến thăm Anh của Đoàn lần này. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầy hứng khởi trên thế giới, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay, thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài với ngày càng nhiều công ty mang tầm toàn cầu. Việt Nam đã có danh tiếng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. “Không mấy ngạc nhiên khi Việt Nam đang đi đầu trong sự chuyển đổi đầu tư trên thế giới. Việt Nam là ví dụ điển hình nhất về việc các quốc gia Đông Nam Á sẽ trở thành “động cơ tên lửa đẩy” cho nền kinh tế toàn cầu...”, Bộ trưởng Anne Marie Trevelyan đánh giá.
Có thể thấy, quyết tâm từ các thông điệp quan trọng của các nhà lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh qua chuyến thăm lần này, đều khẳng định: Với tiềm năng lợi thế của các bên, trên nền tảng là các khuôn khổ pháp lý nội bộ, song phương và đa phương mà hai bên đã ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đã có hiệu lực, Hiệp định CPTPP sẽ được các bên tích cực triển khai trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam và Anh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược. Vấn đề tiên quyết và cần sự nỗ lực, cố gắng của hai bên là cần khai thác tối đa những lợi thế từ Hiệp định UKVFTA đã được ký kết. Các cơ quan hữu quan hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường hỗ trợ tạo điều kiện cho các đoàn khảo sát tìm hiểu thị trường hàng hóa, kết nối kinh doanh.
Trong phát biểu tại Tọa đàm cấp cao Việt Nam-Anh về kinh tế và thương mại thu hút đông đảo các doanh nghiệp tầm cỡ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Hai bên phải đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt hơn 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu rất có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Anh vào năm 2023. Tại đây, bà Anne Marie Trevelyan bày tỏ vui mừng và hy vọng các ngành công nghiệp xanh của Anh như năng lượng gió và năng lượng điện mặt trời sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường hướng tới một tương lai năng lượng sạch.
Qua theo dõi dư luận báo chí tại Anh và châu Âu về chuyến thăm Anh của Chủ tịch Quốc hội, trước thềm chuyến thăm, ngày 27/6, trang tin Vauk.org (Anh) đăng bài “Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Anh”. Tờ báo đánh giá Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được biết đến là nhà lãnh đạo bản lĩnh, có tầm nhìn và tư duy đột phá, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính. Do đó, chuyến thăm lần này không những tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác theo kênh nghị viện mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương nhất là trong xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật, khung pháp lý.
Trên cơ sở kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua, bài báo đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược Anh-Việt Nam còn nhiều không gian, dư địa để phát triển, đạt mức độ hợp tác cao hơn, sâu hơn và tin cậy hơn khi hai bên đều coi trọng, đánh giá cao vai trò, vị trí của nhau cả về hợp tác song phương và đa phương. Anh là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, có tiềm lực về quân sự, công nghệ, có trình độ phát triển cao trong nhiều lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế. Sau Brexit, Anh đẩy mạnh triển khai chiến lược “Nước Anh toàn cầu”, mở rộng quan hệ đối tác thương mại, đầu tư mới để gây dựng lại vị thế của một cường quốc.
Anh ngày càng gia tăng gắn kết lợi ích với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN (tháng 8/2021), tích cực đàm phán để sớm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Trong khi đó, Việt Nam ngày càng thể hiện là thành viên tích cực tại các tổ chức quốc tế, khu vực (Liên hợp quốc, ASEAN), nhất là vừa đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đang ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 để đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, tiến bộ và phát triển của thế giới. Tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam rất ổn định và nền kinh tế còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.
Các trang tin usanewslove.com, northnewsnow.com những ngày qua đưa tin nhấn mạnh phát biểu của Hạ nghị sĩ Wayne David, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ quan tâm đến Việt Nam cho rằng, quan hệ Việt Nam-Anh nói chung và quan hệ nghị viện giữa hai nước được hình thành và phát triển trong gần 50 năm qua, nhờ hai nước chia sẻ nhiều giá trị chung như tôn trọng chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế, nhân quyền và các nguyên tắc thương mại toàn cầu.
Văn Chúc
(Từ thủ đô London, Vương quốc Anh)